Có thời “ăn nên làm ra” nhờ vào cây nứa, vầu, với thu nhập lên tới cả triệu đồng mỗi ngày. Nhưng giờ đây, nhiều hộ nông dân ở huyện vùng biên Quan Sơn đang gặp khó khăn khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoặc chỉ cầm chừng.
Cơ sở sản xuất tăm mành của hộ gia đình anh Lê Sỹ Ích ở khu phố Păng, thị trấn Sơn Lư hoạt động cầm chừng, do sản phẩm khó tiêu thụ.
Huyện Quan Sơn có hơn 54 nghìn ha rừng luồng, nứa, vầu, phân bố ở hầu khắp các xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, diện tích rừng nứa, vầu thuần loài là hơn 27 nghìn ha và hơn 13 nghìn ha rừng nứa, vầu hỗn giao. Các xã có nhiều diện tích rừng nứa, vầu là Sơn Điện, Mường Mìn, Tam Lư, Tam Thanh, Sơn Thủy, Na Mèo…
Nhờ có chất lượng tốt, nên cây nứa, vầu ở Quan Sơn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chọn làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hoặc làm tăm mành, chân hương. Cũng vì thế mà từ trước năm 2020, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản từ cây nứa, vầu, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp với mức thu nhập ổn định.
Anh Lò Văn Nơi (sinh năm 1993), ở bản Ngàm, xã Tam Thanh cho biết, do trên địa bàn xã có nhiều cơ sở thu mua, chế biến, nên thời điểm trước năm 2020, mỗi một tạ nan nứa, vầu bán với giá từ 250 nghìn – 280 nghìn đồng. Cao điểm có ngày mỗi lao động có thể thu hoạch được 4 – 6 tạ nan nứa, vầu, cho thu nhập từ 1 – 1,5 triệu đồng.
“Ngày ấy, cây nứa, vầu thu hoạch về thì thương lái, hoặc chủ cơ sở chế biến trong và ngoài xã đến tranh giành nhau thu mua. Bán xong lấy tiền luôn, người dân trong bản ai cũng hào hứng trồng và chăm sóc nứa, vầu”, anh Lò Văn Nơi cho biết thêm.
Do có thu nhập, nên những hộ gia đình có diện tích nứa, vầu lớn đã phải thuê lao động từ các huyện lân cận đến làm. Tiền công được thanh toán theo khối lượng sản phẩm làm ra với 100 nghìn đồng/tạ nan nứa, vầu. Trong khi đó, thời gian thu hoạch những loại cây này kéo dài tới 10 tháng trong năm, nên nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, giá nứa, vầu nguyên liệu trên địa bàn liên tục giảm sút. Hiện nay, giá chỉ còn dao động khoảng từ 130 nghìn – 180 nghìn đồng/tạ. Mặc dù giá xuống thấp, nhưng nhiều diện tích nứa, vầu được thu hoạch, chẻ ra và buộc thành bó nhưng không có người đến thu mua. Nếu như trước đây, đi dọc các trục đường lớn trên địa bàn huyện Quan Sơn thường dễ dàng bắt gặp cảnh xe tải vào/ra chuyên chở nan nứa, vầu, thì nay quang cảnh trở nên đìu hiu. Phía bên đường, nan nứa, vầu được chất thành đống, mốc xanh, nhưng vẫn chưa có người đến thu mua, chuyên chở.
Là cây trồng chủ lực, là cây kinh tế mũi nhọn của hàng nghìn hộ dân, nhưng sản phẩm không tiêu thụ được, hoặc chậm, nên trong hai năm trở lại đây, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện đã phải rời quê đi làm ăn xa. Như anh Lò Văn Nơi, cũng đi làm thuê tại một cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thị trấn Sơn Lư với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Tại cơ sở sản xuất tăm mành của hộ gia đình anh Lê Sỹ Ích (sinh năm 1978) ở khu phố Păng, thị trấn Sơn Lư tuy vào mùa cao điểm nhưng cũng chỉ có 2 lao động đang làm việc. Anh Ích cho biết, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cơ sở của gia đình anh có 10 lao động làm việc đều đặn, với mức thu nhập bình quân từ 8 triệu đến 10 triệu đồng/người. Hoạt động trở lại từ cuối năm 2022 đến nay, cơ sở của gia đình anh chỉ duy trì được 2 lao động.
“Tuy có 2 lao động, nhưng tháng nào cao điểm, cơ sở chỉ sản xuất được 10 ngày. Số ngày còn lại phải cho lao động nghỉ, do không bán được sản phẩm. Tôi cũng đã liên hệ, tìm kiếm, mở rộng thị trường, nhưng không thành công. Cũng có doanh nghiệp ở Hà Nội nhận thu mua sản phẩm sau sơ chế, nhưng họ nợ tiền. Vốn mình ngắn, nên không theo được”, anh Ích chia sẻ.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, trên địa bàn hiện có 60 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản từ cây tre, luồng, nứa, vầu. Tuy nhiên đa phần các cơ sở này hoạt động cầm chừng, số ít thì chưa hoạt động trở lại do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ rất chậm. Cũng vì thế mà nan nứa, vầu khó tiêu thụ, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nông dân.
Theo tìm hiểu, các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản từ cây nứa, vầu trên địa bàn huyện thường thu mua nguyên liệu của bà con về sơ chế, rồi bán sản phẩm thô cho doanh nghiệp ở TP Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Nam Định… Sản phẩm đến doanh nghiệp tiếp tục được chế biến tinh, rồi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan là chủ yếu. Dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát trong thời gian dài, nhưng chuỗi cung ứng sản phẩm này vẫn chưa được phục hồi ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua cây nguyên liệu nứa, vầu trên địa bàn huyện Quan Sơn. Và thực tế, tính trong 9 tháng năm 2023, sản lượng khai thác cây nứa, vầu trên địa bàn huyện ước đạt trên 47 nghìn tấn và khoảng 7 triệu cây luồng. Nhưng con số này không cao hơn là bao so với cùng kỳ năm 2022, thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới.
Ngoài giá bán nguyên liệu thấp, người trồng luồng, nứa, vầu ở Quan Sơn còn gặp phải tình trạng cây trồng bị thoái hóa. Nếu không thực hiện chăm sóc, phục tráng, thì nhiều diện tích cây trồng này sẽ bị sụt giảm năng suất, sản lượng khai thác chỉ trong thời gian ngắn. Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, cho rằng, do điều kiện kinh tế người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, tỉnh cần có cơ chế, chính sách để nâng mức hỗ trợ thâm canh, phục tráng rừng luồng, nứa, vầu theo Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, cần quan tâm, hỗ trợ huyện trong thu hút đầu tư, nhất là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm tinh từ cây luồng, nứa, vầu.
Bài và ảnh: Đồng Thành