Mới bước qua 9 tháng, sản lượng lương thực Thanh Hóa đã đạt hơn 1,56 triệu tấn, vượt 1,4% kế hoạch của cả năm 2024. Cùng với giá trị chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đều đạt mức nghìn tỷ đồng, ngành nông nghiệp xứ Thanh xứng đáng là trụ vững, là nền tảng cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Các sản phẩm chè của xã Bình Sơn (Triệu Sơn) trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có mặt ở nhiều thị trường trong cả nước. Ảnh: Lê Đồng
Hiện đại hóa để tăng giá trị
Vụ lúa thu mùa năm 2024 của Thanh Hóa đang chuẩn bị vào kỳ thu hoạch thì đợt mưa lũ sau 2 cơn bão số 3 và số 4 hồi tháng 9 vừa qua như muốn cuốn đi tất cả. Tuy tâm bão không vào Thanh Hóa, nhưng mưa lũ lớn làm gãy đổ, ngập úng, hư hại và ảnh hưởng năng suất khoảng 3.206ha lúa cùng nhiều diện tích cây trồng khác. Với các giải pháp thủy lợi tiêu úng kịp thời, vụ lúa vẫn đạt năng suất trung bình 56 tạ/ha. Cộng với vụ chiêm xuân trước đó được mùa cao nhất trong lịch sử, các cây trồng nông nghiệp khác phát triển thuận lợi, không sâu bệnh, đã đưa sản lượng lương thực toàn tỉnh trong 9 tháng đạt 1,56 triệu tấn, bằng 101,4% kế hoạch cả năm.
Điều đáng ghi nhận của ngành trồng trọt Thanh Hóa những năm gần đây là đang được đổi mới mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa. Theo ông Vũ Quang Trung, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa: “Phương thức tổ chức sản xuất được thay đổi từ quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển quy mô ngày càng lớn, có sự hợp tác với doanh nghiệp, HTX và giữa các nhóm hộ. Những năm gần đây, toàn tỉnh đều có hơn 80.000ha cây trồng thông qua liên kết sản xuất, chiếm khoảng 30% tổng diện tích trồng trọt. Thanh Hóa cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành được nghị quyết riêng (Nghị quyết số 13-NQ/TU, tháng 1/2019) về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Từ đó đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ được hơn 3.200ha đất sản xuất nông nghiệp các loại. Đây chính là cơ sở để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ, là nguồn lực phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hiện đại”.
Trong vụ lúa thu mùa vừa qua, huyện Thọ Xuân triển khai thí điểm trồng 10ha lúa hữu cơ tại thôn Ngọc Trung, xã Xuân Minh. Khác với canh tác truyền thống, lúa được canh tác theo quy trình sản xuất an toàn, không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật độc hại, đồng thời được bổ sung dinh dưỡng qua lá bằng cách phun phân hữu cơ từ đạm cá nhập khẩu. Các hộ dân tham gia mô hình được doanh nghiệp liên kết và HTX địa phương đứng ra hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn các khâu canh tác. Không những bảo đảm sản xuất an toàn, năng suất lúa tại mô hình còn đạt 60,2 tạ/ha, cao hơn 2,2 tạ so với những diện tích sản xuất đại trà ngay cùng cánh đồng. Tuy mới thí điểm vụ đầu, song hướng canh tác mới này đang làm thay đổi nhận thức và cách thức canh tác lúa hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường cho sản phẩm lúa gạo. Cũng là cây trồng truyền thống nhưng có hướng canh tác mới, Thọ Xuân nói riêng và cả tỉnh nói chung đang dần tiếp cận được nhiều thị trường trong và ngoài nước cho sản phẩm nông sản.
Theo tổng hợp từ ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã phát triển được 220ha nhà lưới để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Mỗi năm, các địa phương đang duy trì khoảng 2.000ha chuyên sản xuất giống lúa, giống ngô và giống rau các loại, được áp dụng phương thức sản xuất hiện đại. Khoảng 50.000ha đất trồng trọt hàng năm cũng được cơ giới hóa các khâu sản xuất, máy móc thay thế lao động thủ công, cho năng suất lao động và hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần.
Trong nhiều diễn đàn cũng như chỉ đạo trên thực tiễn của ngành nông nghiệp, và sự chủ động tích cực của các chủ thể sản xuất, nông nghiệp Thanh Hóa đang hướng tới ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, sản xuất hữu cơ, sản xuất tuần hoàn. Phát triển nông nghiệp cũng được hướng đến yếu tố lợi thế so sánh trên cơ sở lựa chọn những sản phẩm thị trường cần và lợi thế tuyệt đối ở một số vùng như trồng cây ăn quả bản địa, rau màu vụ đông…
Bảo đảm ổn định và an sinh xã hội
Không mang lại nhiều giá trị như ngành công nghiệp, cũng chưa thể sánh được về doanh thu như các ngành thương mại – dịch vụ, song nông nghiệp lại là ngành kinh tế tạo việc làm nhiều nhất, gắn bó với phần lớn người dân trong tỉnh. Nhất là ở khu vực nông thôn, nông nghiệp vẫn đem lại nguồn thu chính và tạo sự ổn định cho hàng trăm nghìn hộ gia đình. Phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tiên là ổn định an ninh lương thực, bảo đảm duy trì kinh tế hộ, để các cấp chính quyền và người dân tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội.
Nói về vai trò của nông nghiệp, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa Vũ Quang Trung, chia sẻ: “Nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã xác định nông nghiệp là nền tảng, là trụ đỡ nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp trước hết vì mục tiêu bảo đảm sự ổn định và an sinh xã hội. Đó chính là “gốc rễ”, là điều kiện cho phát triển các ngành kinh tế khác cũng như kinh tế – xã hội nói chung. Thấy rõ nhất là giai đoạn đại dịch COVID-19, khi các ngành kinh tế khác đình trệ, bộ phận lớn lao động trong xã hội thiếu việc làm, không có thu nhập, thì nông nghiệp vẫn phát triển ổn định. Sản phẩm nông nghiệp quay trở lại phục vụ cung ứng cho toàn dân để sinh sống và trụ vững qua giai đoạn khó khăn nhất…”.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2024, giá trị sản xuất riêng ngành trồng trọt đạt 9.405 tỷ đồng, tăng 2,1% cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng 389.758 ha, đạt 100,5% kế hoạch. Trong đó, vụ đông gieo trồng 47.088ha; vụ chiêm xuân gieo trồng 190.670ha; vụ thu mùa toàn tỉnh gieo trồng 152.000ha, đạt 100% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực toàn ngành 9 tháng đạt 1.561.518 tấn, tương đương 101,4% kế hoạch năm. Cùng thời điểm, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 1.580ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha canh tác của Thanh Hóa đã đạt 125 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng/ha so với năm 2023.
Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng gặt hái thành quả lớn với tổng giá trị sản xuất khoảng 5.586 tỷ đồng, tăng 4,8% cùng kỳ. Đó là nhờ các địa phương tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Trong điều kiện các tỉnh lân cận đều có dịch trên đàn lợn và gia cầm, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được chỉ đạo quyết liệt, kiểm soát tốt. Đến nay, toàn tỉnh đang duy trì đàn trâu 122.110 con, đàn bò 232.000 con, đàn lợn 1,223 triệu con, đàn gia cầm 26,95 triệu con. Sản lượng thịt hơi 9 tháng đạt 233.635 tấn, tăng 6,8% cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm 221,65 triệu quả, sữa tươi đạt 47,29 nghìn tấn.
Tuy không quá lớn, nhưng giá trị sản xuất hoạt động thủy sản và lâm nghiệp của tỉnh 9 tháng qua cũng đạt giá trị “nghìn tỷ”, lần lượt là 3.487 và 1.182 tỷ đồng. Đây chính là 2 “chân kiềng” ổn định để góp phần vào thành công chung của toàn ngành, là nguồn thu để ổn định cuộc sống cho các hộ dân miền núi và đồng bằng ven biển.
Với 1.386 doanh nghiệp, 772 HTX và 2 liên hiệp HTX, 1.058 trang trại, 1.266 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cùng hàng triệu chủ thể sản xuất năng động trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục nỗ lực để phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định 13 “điểm nghẽn” trong nông nghiệp để tập trung tháo gỡ, phấn đấu vượt nhiều chỉ tiêu đề ra cho năm 2024.
Lê Đồng
Bài 4: Vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc gia
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/no-luc-can-dich-cac-muc-tieu-nam-2024-bai-3-giu-vung-vai-tro-tru-do-nen-kinh-te-227573.htm