Cùng với các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng,… du khách đến Thanh Hóa trong những năm gần đây còn có nhu cầu mua sắm, trải nghiệm văn hóa ở các khu đô thị. Theo đó, để tăng sức hút cho điểm đến, các khu đô thị trên địa bàn tỉnh đã, đang phát triển du lịch dựa trên những giá trị cốt lõi, đặc thù riêng, tạo ấn tượng trong lòng du khách.
Du khách ấn tượng với các hoạt động trải nghiệm “Tết xưa làng cổ” tại làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).
Nằm trên trục giao thông Bắc – Nam, tọa lạc trên vùng đất cổ của văn hóa Núi Đọ và Đông Sơn, TP Thanh Hóa đã, đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn bởi nhiều sản phẩm, điểm đến du lịch đặc trưng của thành phố bên bờ sông Mã. Giờ đây, khi nhắc đến du lịch TP Thanh Hóa, du khách sẽ nghĩ ngay đến Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, tour “Ngược xuôi sông Mã”, làng cổ Đông Sơn, công viên văn hóa Hội An, Thái miếu nhà Hậu Lê… Cùng với đó là đa dạng các hoạt động khám phá ẩm thực, mua sắm, vui chơi, giải trí thú vị.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, TP Thanh Hóa hiện đang tập trung phát triển 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, gồm: du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh; du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch đô thị. Trong đó, du lịch đô thị được định hướng phát triển dựa trên việc khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng và thế mạnh về cơ sở vật chất, hạ tầng. Với các điểm nhấn phải kể đến của dòng sản phẩm này như: phố đi bộ Phan Chu Trinh; du lịch MICE mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo); Thanh Hóa city tour.
Nhằm định vị thương hiệu điểm đến, trong thời gian qua TP Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc phục vụ Nhân dân và khách du lịch. Trong đó, chuỗi hoạt động “Tết xưa làng cổ” diễn ra tại làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng đã để lại cho du khách những ấn tượng sâu sắc cùng nhiều trải nghiệm văn hóa hấp dẫn. Theo đó, cùng với việc tổ chức không gian phục vụ du khách khám phá văn hóa ẩm thực, tìm hiểu và mua bán sản phẩm đặc sản, nông sản tại khu vực “Chợ quê”… xuyên suốt chuỗi hoạt động “Tết xưa làng cổ” là những không gian tổ chức trò chơi, trò diễn dân gian như: bịt mắt đập nồi, cà kheo, chọi gà, ném còn, cờ tướng, cờ người, bịt mắt bắt dê, đá cầu, kéo co… Đặc biệt, với việc bố trí các điểm check-in mang đậm dấu ấn làng cổ Đông Sơn đã góp phần tăng sức hút cho điểm đến.
Dự kiến, trong thời gian tới, TP Thanh Hóa sẽ nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch “Ký ức Hàm Rồng”. Trong đó tập trung khai thác và phát huy giá trị các di tích, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TP Thanh Hóa về “Hàm Rồng chiến thắng”. Cùng với đó là các chương trình nghệ thuật tái hiện lại bản anh hùng ca Hàm Rồng chiến thắng, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của du khách trong nước và quốc tế.
Còn tại TP Sầm Sơn, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố của lễ hội, Sầm Sơn đã chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp để tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch xuyên suốt bốn mùa trong năm. Trong đó, nhiều lễ hội truyền thống của vùng biển Sầm Sơn đến nay đã trở thành “điểm hẹn văn hóa” hấp dẫn du khách, như: Lễ hội cầu Phúc đền Độc Cước; Lễ hội bánh chưng – bánh giầy; Lễ hội cầu ngư bơi trải… Qua đó, du khách hiểu thêm về văn hóa vùng đất Sầm Sơn và con người nơi đây. Điều đó cũng cho thấy, dù là khu đô thị du lịch biển hiện đại, song du lịch Sầm Sơn luôn chú trọng tạo dựng thương hiệu, bản sắc riêng dựa trên chính những giá trị cốt lõi, văn hóa đặc trưng của điểm đến.
Hướng tới phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch quốc gia theo chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP Sầm Sơn đã, đang tập trung mọi nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuẩn khu vực và quốc tế. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời nghiên cứu, đưa vào khai thác thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, hình thành nên các không gian trải nghiệm văn hóa như: chợ đêm, phố đi bộ,… Đồng thời, đẩy mạnh các mối liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh dựa trên thế mạnh, đặc trưng của từng điểm đến, nhằm hình thành các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, mang tính bền vững. Cùng với đó, thành phố cũng tập trung hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm, sớm hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp, mang tầm quốc gia và quốc tế, các trung tâm giải trí chất lượng cao… hướng tới phát triển đô thị theo hướng thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa. Đây cũng là cơ sở để TP Sầm Sơn thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao, thời gian lưu trú dài, dần xóa bỏ tính mùa vụ trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia du lịch, để du lịch đô thị phát triển, nâng cao giá trị cạnh tranh trước hết cần dựa trên giá trị cốt lõi, tạo dựng bản sắc đặc trưng và thương hiệu cho điểm đến. Đối với các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đứng trước cơ hội phát triển trong tình hình mới, theo hướng tăng trưởng xanh, cần nắm bắt thời cơ, chú trọng phát triển hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng đi đôi với khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng, có dịch vụ chất lượng cao.
Bài và ảnh: Lê Anh