Sở hữu kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú, xứ Thanh được mệnh danh là “miền di sản” độc đáo kết tinh từ tinh hoa văn hóa của 7 dân tộc anh em. Những giá trị văn hóa ấy ngày càng vươn xa, khẳng định giá trị tự thân, trở thành động lực phát triển toàn diện của địa phương. Bởi vậy, việc gìn giữ, phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống là một tất yếu, được triển khai thường xuyên, lâu dài và bền bỉ.
Các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được trình diễn, tôn vinh tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh.
Để bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về văn hóa. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg, ngày 17/11/2008 lấy ngày 19/4 hằng năm làm “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh càng được chú trọng triển khai. Trong đó, công tác bảo tồn và phát huy các di tích, văn hóa trọng điểm; tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa đang xuống cấp nghiêm trọng; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch được quan tâm thực hiện thường xuyên.
Điều này đã được minh chứng qua việc ngày càng nhiều di tích được phục dựng, bảo vệ; nhiều loại hình văn hóa truyền thống được phục dựng. Và hơn thế là nhiều di sản được vinh danh, vươn tầm quốc gia. Có được kết quả đó là sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, kế hoạch góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Đề án bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Đề án bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; “Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”… Đặc biệt, năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội tại di tích trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội.
Người dân tham gia trình diễn các sản phẩm văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Song song với đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động, chương trình văn hóa – văn nghệ, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản được quan tâm triển khai bài bản, quy mô. Hằng năm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; triển khai các hoạt động tập huấn thuộc Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030”; tập huấn về nội dung bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc. Thông qua các lớp tập huấn, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã hướng dẫn, đồng hành của cộng đồng trong việc phục dựng, sưu tầm, khai thác các lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn, tiếng nói, chữ viết… của các dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đã có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, trở thành đặc trưng của dân tộc, địa phương như lễ hội Pồn Pôông, cồng chiêng, hát ru (Ngọc Lặc), trò Xuân Phả (Thọ Xuân), Ngũ trò Viên Khê (Đông Sơn), chèo (Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Quảng Xương).
Xác định người dân là chủ thể quan trọng trong gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống nên cùng với tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành các loại hình văn hóa cho người dân, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức các đợt liên hoan, hội diễn, lễ hội toàn tỉnh. Các đợt liên hoan, hội diễn đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” để các giá văn hóa phi vật thể, các di sản được vươn xa, tỏa sáng. Tiêu biểu như liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa được tổ chức hai năm/lần, với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nghệ nhân, nhạc công, diễn viên của các đoàn nghệ thuật quần chúng, các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh. Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã trở thành điểm hẹn văn hóa xứ Thanh, nơi gắn kết các dân tộc và tôn vinh những giá trị văn hóa của các dân tộc. Đồng thời, để văn hóa dân tộc được khẳng định và tôn vinh, tỉnh đã khuyến khích các đơn vị, địa phương tổ chức/tham gia các ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa các dân tộc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh, địa phương tổ chức. Từ đó, tạo “đất sống” cho các loại hình văn hóa dân tộc, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống đa sắc màu của các dân tộc tỉnh Thanh…
Trong xu thế hội nhập và phát triển, việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trở thành “sức mạnh” để hội nhập văn hóa, trở thành một nhiệm vụ cũng là một thách thức cho mỗi địa phương, mỗi dân tộc. Bởi vậy, gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, mang tính chiến lược cần được triển khai đúng và trúng. Thực hiện nhiệm vụ đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bài và ảnh: Thùy Linh