Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều loại hình thiên tai khác nhau, gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất cho người dân. Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các lực lượng hỗ trợ người dân xã Bát Mọt (Thường Xuân) cấy lúa vụ thu mùa.
Trong 6 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 đợt thiên tai, bao gồm: 1 đợt rét đậm, 3 trận giông, lốc kèm mưa đá, 1 đợt mưa lớn và 4 đợt nắng nóng, gây thiệt hại về người cũng như trong sản xuất nông nghiệp, các công trình xây dựng, nhà ở tại một số địa phương. Trong đó, đã gây thiệt hại 450,174ha lúa, 260,8ha ngô, 94,2ha rau màu, 107,1ha cây hàng năm, 35ha cây lâm nghiệp tại các huyện Thường Xuân, Mường Lát, Quan Sơn, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, thị xã Bỉm Sơn. Trong đợt mưa lớn và giông, lốc ngày 2 – 3/5, đã làm 2.651,3ha lúa vụ xuân ở các địa phương trong tỉnh đang kỳ thu hoạch bị gãy đổ. Trong đó, huyện Hà Trung thiệt hại 1.200ha; huyện Vĩnh Lộc thiệt hại 320,7ha; huyện Thiệu Hóa thiệt hại 345ha; huyện Yên Định thiệt hại 715,6ha. Ngoài ra, giông, lốc còn gây thiệt hại 350,2ha ngô ở các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định… Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND cấp huyện, xã tổ chức các đoàn công tác đến khu vực bị thiệt hại để kiểm tra tình hình, huy động các lực lượng trên địa bàn tổ chức giúp Nhân dân chăm sóc cây trồng bị ảnh hưởng.
Theo nhận định và dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa từ tháng 8 đến tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra từ 2 – 3 đợt nắng nóng, nhưng không gay gắt kéo dài. Lượng mưa có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm và phổ biến từ 800 – 1.200mm, riêng phía Nam và Tây Nam có nơi đạt trên 1.200mm, có khả năng xảy ra 4 – 6 đợt mưa lớn. Mực nước trung bình các tháng phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở mức xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10 – 20%. Khu vực Thanh Hóa có khả năng ảnh hưởng 1 đến 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới…
Để chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức ứng phó với thiên tai cho người dân. Đồng thời, cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết để tăng hiệu quả sản xuất. Các địa phương và các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai kế hoạch phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, ngập úng cho các vụ sản xuất, chi tiết, cụ thể đến từng tiểu vùng, duy trì chế độ giao ban báo cáo định kỳ.
Bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, cho biết: Đơn vị tổ chức phân công cán bộ theo dõi, nắm vững tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, úng ngập ở các địa phương để kịp thời có biện pháp xử lý khi có tình huống xảy ra. Ngay từ đầu năm đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thực hiện nạo vét kênh dẫn, cửa lấy nước và kênh trữ nước; tu bổ sửa chữa máy móc công trình, thực hiện theo kế hoạch tưới tiêu, nhằm tiết kiệm nước; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh để kịp thời cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và chống hạn, úng năm 2024. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa kịp thời thông báo những diễn biến bất lợi của thời tiết đến các đơn vị liên quan phục vụ chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân các địa phương có những biện pháp ứng phó thích hợp, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/giam-thieu-thiet-hai-trong-san-xuat-nong-nghiep-do-thien-tai-gay-ra-219572.htm