Ngày 5/4, Đoàn công tác số 2, Đoàn giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội do Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm trưởng đoàn đã chủ trì hội nghị giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023” tại Thanh Hóa.
Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì hội nghị giám sát.
Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị.
Dự hội nghị, về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các ngành thành viên Ban ATGT tỉnh cùng các đơn vị, địa phương liên quan của tỉnh…
Các thành viên đoàn giám sát.
Thanh Hóa là một trong số ít địa phương trong cả nước có mạng lưới giao thông đa dạng, với đầy đủ các loại hình. Thực hiện các chính sách, pháp luật về đảm bảo TTATGT, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Công tác tuyên truyền được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân. Số vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy… trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, từng bước giảm thiểu trên cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Nhiều năm liền trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa; tình hình an ninh, an toàn hàng không dân dụng tại Cảng Hàng không Thọ Xuân được đảm bảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm báo cáo tại hội nghị.
Kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư và khai thác có hiệu quả; các “điểm đen”, vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông được xử lý kịp thời. Từ ngày 1/7/2009 đến 31/12/2023, tỉnh Thanh Hóa đã huy động các nguồn vốn từ Trung ương và địa phương đạt 60.120 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, bảo trì, xử lý “điểm đen” các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu tại hội nghị.
Công tác vận tải được chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của Nhân dân. Công tác tuần tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra được các lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên, liên tục, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ ngày 1/7/2009 đến 31/12/2023 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 1,3 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, tước giấy phép lái xe 101.882 trường hợp, tạm giữ 165.635 phương tiện. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, công tác đăng kiểm phương tiện được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy định, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các thành viên đoàn công tác đã ghi nhận những kết quả trong công tác bảo đảm TTATGT của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời phân tích tình hình tai nạn giao thông của tỉnh còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 31/12/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 8.817 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.609 người, bị thương 7.181 người. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém; hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT ở một số địa phương chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng đến mọi người dân. Nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh trải dài, chạy qua nhiều địa hình phức tạp, địa bàn rộng, trong khi lực lượng mỏng, phân tán và phải đảm đương nhiều nhiệm vụ đột xuất, nên không quản lý được hết tuyến, địa bàn giao thông trong tỉnh.
Thành viên đoàn công tác phát biểu tại hội nghị.
Tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt vẫn diễn ra. Với 103,2km đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh, số lượng các lối đi dân sinh, đường ngang tự phát do dân mở đi qua đường sắt còn nhiều, việc quản lý còn hạn chế; các phương tiện cảnh báo, gác chắn chưa đáp ứng được nhu cầu. Phần lớn các tuyến giao thông đường bộ của tỉnh chưa được lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm nên chưa có tác dụng răn đe, giáo dục và hạn chế trong công tác xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông. Hạ tầng giao thông phát triển chưa theo kịp yêu cầu số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng các phần mềm quản lý trong hoạt động kinh doanh vận tải chưa hoàn thiện, đồng bộ phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Thanh Hóa Trịnh Huy Triều giải trình một số nội dung liên quan.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cùng đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải đã tiếp thu các ý kiến của thành viên đoàn công tác và phân tích làm rõ thêm một số vấn đề về công tác đầu tư các tuyến đường phía Tây bảo đảm an ninh biên giới, phục vụ đời sống dân sinh đồng bào miền núi của tỉnh; công tác xử lý “điểm đen, điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông; đào tạo, sát hạch lái xe; nguyên nhân tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng trong những năm gần đây; việc phân cấp cho công an xã cấp biển số xe mô tô; việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đánh giá cao công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua. Đồng chí nhấn mạnh, Thanh Hóa có tốc độ phát phát triển phương tiện giao thông nhanh, trong khi hạ tầng giao thông phát triển chưa theo kịp yêu cầu. Vì thế, tỉnh Thanh Hóa tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn giám sát, làm rõ hơn các tồn tại, nguyên nhân, cùng những đề xuất của tỉnh và hoàn thiện báo cáo cung cấp cho đoàn giám sát trước ngày 15/4/2024.
Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thanh Hóa. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo, phản ánh đầy đủ lên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ quản lý Nhà nước về lĩnh vực này để có giải pháp hiệu quả, thiết thực. Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tiếp thu ý kiến.
Phát biểu tiếp thu ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn trân trọng cảm ơn đoàn công tác đã gợi mở cho tỉnh những giải pháp thiết thực để khắc phục những tồn tại, hạn chế, từng bước đưa công tác bảo đảm TTATGT ngày càng hiệu quả hơn. Đồng thời, giao Ban ATGT tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh cập nhật ý kiến của các thành viên đoàn công tác hoàn thiện báo cáo trước ngày 15/4. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trên các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội.
Đoàn công tác tham quan, khảo sát Trung tâm thông tin chỉ huy Công an tỉnh.
Trước khi làm việc với UBND tỉnh, sáng 5/4, Đoàn công tác số 2 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang dẫn đầu đã đi khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023 tại Công an TP Thanh Hóa và Trường Trung cấp Nghề giao thông – vận tải Thanh Hóa; khảo sát Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh.
Lê Hợi