Sáng 23-8, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá gồm các đồng chí: Mai Văn Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá, trưởng đoàn giám sát; Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách; Võ Mạnh Sơn, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH giai đoạn từ 1-1-2020 đến 30-6-2023 tại BHXH tỉnh Thanh Hoá.
Trưởng đoàn giám sát Mai Văn Hải chủ trì buổi giám sát tại BHXH tỉnh.
Cùng tham gia có đại diện Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, trong thời gian qua việc triển khai thi hành quy định của pháp luật về BHXH được BHXH tỉnh thực hiện kịp thời, đầy đủ; luôn tuân thủ và chấp hành quy định của pháp luật.
BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ các quy định pháp luật không còn phù hợp; trao đổi, cung cấp thông tin về việc tham gia, tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH; giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong giải quyết các chế độ BHXH…
Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Văn Tám tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Đoàn Giám sát.
Đến hết tháng 6 năm 2023, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 25,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là 480.210 người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 80.209 người.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lê Bá Toàn báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng chậm đóng BHXH vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, tồn tại kéo dài qua nhiều năm, số doanh nghiệp chậm đóng BHXH năm sau cao hơn năm trước với số tiền ngày càng lớn. Tốc độ gia tăng người tham gia BHXH còn chậm; tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp, nhiều doanh nghiệp còn chưa tham gia hoặc tham gia không đầy đủ đối với số lao động phải tham gia BHXH bắt buộc; số người đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần ngày một tăng ảnh hưởng đến việc duy trì tỷ lệ bao phủ BHXH…
Tại buổi giám sát, BHXH tỉnh đề nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương sửa đổi chính sách BHXH theo hướng rút ngắn thời gian đóng BHXH (từ 20 năm xuống còn 15 năm) nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người có tuổi đời cao tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung thêm quyền lợi hưởng (ốm đau, thai sản…) cho người tham gia BHXH tự nguyện. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện theo hướng nâng mức hỗ trợ từ NSNN đối với người tham gia lên 50% đối với người nghèo, 30% đối với người cận nghèo và 20% đối tượng còn lại trên mức chuẩn nghèo. Ban hành cơ chế, chính sách xử lý đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT…
Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH tại cơ sở để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Đề nghị HĐND tỉnh đưa chỉ tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm của địa phương; trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các huyện, thị xã, thành phố.
Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN. Có phương án giải quyết quyền lợi BHXH cho người lao động đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN như các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy, Xí nghiệp gạch Tuynen Đông Văn thuộc Công ty CP Xây dựng Hancorp.2…
Thành viên đoàn giám sát đề nghị BHXH tỉnh làm rõ hơn những tồn tại trong thực tiễn thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn.
Tại buổi giám sát, các đại biểu và thành viên Đoàn giám sát đề nghị BHXH tỉnh làm rõ hơn những tồn tại trong thực tiễn thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH hiện hành nói riêng; các giải pháp hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH năm sau cao hơn năm trước…
Đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải kết luận buổi giám sát.
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của BHXH tỉnh trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH.
Đồng chí nhấn mạnh, Thanh Hoá là tỉnh lớn, dư địa phát triển đối tượng lớn, nhưng hiện nay tỷ lệ tham gia chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là ở các huyện miền núi, lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp… Vì vậy, BHXH cần tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH để người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ đây là nghĩa vụ và quyền lợi của họ; đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh diện bao phủ BHXH; phân tích, làm rõ nguyên nhân hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tham gia BHXH để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, nhất là trong giải quyết nợ đọng, thu hồi nợ, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động; tăng cường công tác phối hợp tham mưu đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng hàng năm để tổ chức thực hiện. Tích cực triển khai thực hiện Kết luận số 189/KL-HĐND ngày 18-4-2023 của Thường trực HĐND tỉnh về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020-2022.
Cùng với đó, BHXH tỉnh thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu hình thức, giải pháp giải quyết các vấn đề tồn đọng; chú trọng công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; bổ sung các giải pháp để nâng cao hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH.
Tiếp thu các ý kiến, đề xuất của BHXH tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH.
Tô Hà