Trong 2 ngày 20 và 21-9, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh do đồng chí Lê Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, đã có buổi giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật về quản lý đất công gắn với quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 – 2023 tại các huyện Triệu Sơn, Hà Trung, Bá Thước.
Đồng chí Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát và các thành viên trong đoàn giám sát thực tế tại công sở xã Minh Dân (Triệu Sơn).
Tại huyện Triệu Sơn, hiện nay tổng số cơ sở nhà, đất dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập là 52 cơ sở được UBND tỉnh chuyển giao về UBND huyện quản lý, xử lý. Qua rà soát, UBND huyện Triệu Sơn đề xuất phương án giữ lại tiếp tục sử dụng 16 cơ sở; chuyển giao về địa phương quản lý, sử dụng 1 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 35 cơ sở.
Đoàn giám sát Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tại huyện Triệu Sơn.
Về việc xử lý trụ sở, nhà, đất, tài sản dôi dư sau sáp nhập, UBND huyện Triệu Sơn đã có văn bản đề nghị bàn giao công sở xã Minh Châu (cũ) làm trụ sở Công an thị trấn và công sở xã Hợp Tiến (cũ) làm trụ sở Công an xã Hợp Tiến. Hiện nay, số cơ sở nhà, đất dôi dư không có nhu cầu sử dụng trên địa bàn huyện là 36 cơ sở, chủ yếu là nhà văn hóa thôn.
Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn phát biểu tại buổi giám sát.
Đối với các cơ sở nhà, đất không sử dụng và chưa xử lý được sau sắp xếp, sáp nhập, UBND huyện Triệu Sơn đã có văn bản yêu cầu UBND các xã, các đơn vị, trường học trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền quyết định xử lý tài sản dôi dư, có trách nhiệm bảo vệ, trông coi.
Đồng chí Đinh Ngọc Thúy, Phó trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Hiện nay, UBND huyện Triệu Sơn đang tiếp tục rà soát, đối chiếu các tài sản dôi dư với quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đề xuất phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, điều chuyển phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại huyện Hà Trung, từ năm 2019 đến nay, đã thực hiện sáp nhập 10 xã, thị trấn thành 5 xã, thị trấn (giảm 5 đơn vị). Số tài sản dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập là 19 tài sản, với diện tích đất hơn 48.342m2, bao gồm công sở xã, Trung tâm văn hóa – thể thao xã, trạm y tế xã. Đối với nhà văn hóa thôn, tiểu khu, sau sáp nhập, huyện Hà Trung giảm 58 thôn, tiểu khu; số tài sản dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập là 14 tài sản với diện tích đất hơn 4.377m2.
Đoàn giám sát Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tại huyện Hà Trung.
Trong 19 tài sản dôi dư, huyện Hà Trung đã chuyển đổi công năng sử dụng công sở xã Hà Lâm (cũ) và Trung tâm văn hóa – thể thao xã Hà Lâm (cũ) làm Trường Mầm non Hà Lâm, xã Yến Sơn. Còn 17 tài sản cấp xã và 14 tài sản là nhà văn hóa thôn chưa được sắp xếp, điều chuyển.
Thành viên Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023, huyện Hà Trung đã thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 7 trụ sở làm việc, 3 Trung tâm văn hóa – thể thao xã, 2 trạm y tế và 13 nhà văn hóa thôn.
Tại huyện Bá Thước, giai đoạn 2019-2023, huyện đã sáp nhập xã Lâm Xa, Tân Lập vào thị trấn Cành Nàng; sáp nhập 38 thôn để thành lập 18 thôn mới tại 12 xã; sáp nhập 18 đơn vị hành chính sự nghiệp thành 8 đơn vị hành chính sự nghiệp mới. Tổng số công trình trên đất của các cơ quan, đơn vị thuộc diện sáp nhập là 115. Trong đó, số đang sử dụng 88 công trình, số không còn nhu cầu sử dụng là 27 công trình. Tổng diện tích đất của các cơ quan, đơn vị thuộc diện sáp nhập hơn 262.325m2, trong đó diện tích đất đang sử dụng là 208.050m2, diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng là 54.275m2.
Đoàn giám sát Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tại huyện Bá Thước.
Các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn huyện đều đã lập phương án xử lý. Trong thời gian chờ quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, các cơ sở nhà, đất đã tạm thời bàn giao cho đơn vị mới quản lý, sử dụng để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công.
Chủ tịch UBND huyện Bá Thước phát biểu tại buổi giám sát.
Hiện nay, số nhà, đất chưa được phê duyệt sắp xếp, điều chuyển là 17 cơ sở, diện tích hơn 31.571m2, tài sản gắn liền với đất là 24 công trình. Trong đó, số nhà, đất đề xuất phương án điều chuyển là 10 cơ sở; số nhà, đất đề xuất phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 7 cơ sở.
Lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu tại buổi giám sát.
Thảo luận tại các buổi giám sát, thành viên trong đoàn giám sát và lãnh đạo các huyện Triệu Sơn, Hà Trung, Bá Thước đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản công dôi dư; tình trạng thừa, thiếu nhà văn hóa thôn sau sáp nhập; những bất cập trong thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá, đấu thầu; tình trạng lãng phí, xuống cấp cơ sở vật chất dôi dư; vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý và sử dụng…
Đồng chí Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi giám sát.
Phát biểu kết luận các buổi giám sát, đồng chí Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh: Qua kiểm tra thực tế và làm việc với các huyện cho thấy, công tác quản lý đất công, công tác bảo vệ, sử dụng tài sản công ở các địa phương tương đối tốt, hạn chế được tình trạng hư hỏng, xuống cấp các công trình. Công tác phối hợp giữa các huyện với các sở, ngành liên quan trong quản lý đất công, tài sản công được thực hiện chặt chẽ, kịp thời và thống nhất.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Việc triển khai thực hiện Kế hoạch 69/KH-UBND, ngày 25-3-2019 của UBND tỉnh vẫn còn chậm, có đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, mang tính hình thức. Các địa phương chưa chủ động và chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo cũng như kiểm tra, rà soát xây dựng phương án xử lý tài sản công dôi dư sau khi sáp nhập.
Để nâng cao hiệu quả quản lý đất công và quản lý, sử dụng tài sản công, đồng chí Trưởng đoàn giám sát đề nghị: Các địa phương khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan trình UBND tỉnh phương án mới để UBND tỉnh xem xét phê duyệt, làm căn cứ triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Đối với số nhà văn hóa thôn dôi dư, các địa phương nên bàn giao cho cộng đồng dân cư sử dụng để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, phục vụ đời sống của Nhân dân.
Đối với trụ sở UBND các xã dôi dư, nên bàn giao cho công an xã quản lý và sử dụng để phát huy được hiệu quả, tránh lãng phí cơ sở vật chất, đồng thời giảm được nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở công an các xã, thị trấn.
Đối với những công sở dôi dư mà chưa được sử dụng, UBND các huyện cần giao cho các UBND các xã bảo vệ, trông coi, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai, trộm cắp tài sản, gây dư luận không tốt trong Nhân sân.
Đối với cơ sở nhà, đất mà các huyện không có nhu cầu sử dụng, việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.
Sau khi UBND tỉnh phê duyệt phương án mới, các địa phương phải triển khai nghiêm túc, kịp thời, bảo đảm hiệu quả cao nhất đối với từng tài sản.
Đối với đề xuất, kiến nghị, đồng chí Lê Quang Hùng các địa phương có báo cáo cụ thể, chi tiết để đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh.
Đồng chí Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát và các thành viên trong đoàn giám sát thực tế tại công sở xã Tân Lập (Bá Thước).
Trước khi làm việc với UBND các huyện, đồng chí Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát và các thành viên trong đoàn đã đi giám sát thực tế tại nhà văn hóa thôn 4 (xã Thọ Thế), công sở dôi dư xã Minh Châu và Minh Dân (Triệu Sơn); công sở dôi dư xã Hà Phong, Trường Mầm non Hà Lâm, xã Yến Sơn (Hà Trung); công sở dôi dư xã Tân Lập (Bá Thước).
Tố Phương