Chiều 10/12, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024.
Các đại biểu dự hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ngành thành viên Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh cùng các huyện, thị xã, thành phố ven biển.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường báo cáo tại hội nghị.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 9/12/2024 toàn tỉnh có 6.705 phương tiện nghề cá, gồm: Tàu cá có chiều dài dưới 6m, bè mảng, mủng nan là 3.512 chiếc; tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 1.233 chiếc; tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m là 854 chiếc; tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 1.106 chiếc.
Trong số đó, đã đăng ký và nhập vào cơ sở dữ liệu VnFishbase 3.046/3.193 tàu cá thuộc diện phải đăng ký, đạt 95,4%. Số tàu cá còn hạn đăng kiểm là 1.695/1.922 tàu, đạt 88,2%. Số tàu cá còn hạn giấy phép khai thác thủy sản là 2.714/3.046 tàu, đạt 89,1%. Số tàu còn hạn giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 946/1.093 tàu, đạt 86,6%. Đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 1.079/1.093 tàu cá, đạt 98,7%. Sản lượng thủy sản khai thác hải sản được giám sát thông qua các cảng cá đạt 31,6%. |
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Xuân Đồng báo cáo tại hội nghị.
Từ đầu năm 2024, các ngành thành viên cùng với các địa phương đã phối hợp làm việc với từng chủ tàu cá thiếu hồ sơ thủ tục, phân loại tàu cá nằm bờ, tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác, đóng biển tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác. Thực hiện đưa các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động về neo đậu tập trung tại các khu neo đậu, giao UBND cấp xã, các đồn Biên phòng tuyến biển giám sát chặt chẽ vị trí, đảm bảo cung cấp hình ảnh trong trường hợp các đoàn kiểm tra yêu cầu; tổ chức phá dỡ một số bến cá tự phát trên địa bàn huyện Hậu Lộc…
Giám đốc Cảng cá Thanh Hóa Lê Văn Thăng phát biểu tại hội nghị.
Trong năm, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tập trung lực lượng, thành lập các đoàn tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, tại các cửa lạch, cảng cá và thông qua Hệ thống giám sát hành trình, xử lý 260 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 2,3 tỷ đồng.
Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh xây dựng Kế hoạch chi tiết, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo cung cấp hồ sơ kịp thời theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra EC, Bộ NN&PTNT.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, đến ngày 10/12 toàn tỉnh vẫn còn lại 147 tàu cá “2 không” (không đăng ký, không giấy phép), “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép). Hiện các chủ tàu cá này đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thực hiện đăng ký.
Trong đó có 109 tàu “2 không”: Nga Sơn 8 tàu, Hậu Lộc 88 tàu, Hoằng Hóa 3 tàu, Quảng Xương 4 tàu, thị xã Nghi Sơn 6 tàu; 38 tàu “3 không”: Nga Sơn 1 tàu, Hậu Lộc 11 tàu, Hoằng Hóa 1 tàu, TP Sầm Sơn 4 tàu, Quảng Xương 3 tàu, thị xã Nghi Sơn 18 tàu. |
Toàn tỉnh còn 58 tàu cá không bật thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng, chủ yếu là các tàu cá nằm bờ không đi khai thác do hư hỏng hoặc thiếu nhân lực.
Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện các ngành thành viên Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh cùng các địa phương ven biển đã phân tích nguyên nhân, tồn tại trong việc xử lý tàu cá “2 không”, “3 không”; việc điều tra, xác minh để đảm bảo đủ căn cứ xử phạt đối với hành vi ngắt kết nối giám sát hành trình…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu Sở NN&PTNT khi có công văn trích yếu các tàu cá vi phạm của Bộ NN&PTNT gửi về địa phương thì phối hợp với các lực lượng xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm; tổ chức trực ban, thống kê sản lượng thủy sản thông qua các cảng cá, thống nhất số liệu báo cáo các cơ quan cấp trên; làm việc với Trung tâm thông tin Thủy sản, Cục Thủy sản để giải quyết những tàu cá không hoạt động, tàu bán ra tỉnh ngoài và tàu cá đã giải bản để thống nhất số liệu báo cáo.
Các lực lượng có liên quan của tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, nhất là những tàu cá vi phạm hành chính nhiều lần, đưa vào diện theo dõi thường xuyên.
Các địa phương ven biển giải quyết triệt để các trường hợp tàu cá “2 không”, “3 không”, tàu cá mất kết nối trên 10 ngày và trên 6 tháng, hoàn tất trước ngày 19/12/2024.
Hải Đăng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/giai-quyet-triet-de-cac-truong-hop-tau-ca-vi-pham-hoan-tat-truoc-ngay-19-12-233014.htm