Được xem là động lực để các địa phương thực hiện và hoàn thành tiêu chí, góp phần về đích NTM đúng lộ trình và nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, thế nhưng hiện nay, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) XDNTM trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Ngoài nguyên nhân do quá trình thực hiện đầu tư và thủ tục giải ngân vẫn còn nhiều vướng mắc thì cách điều hành của chính quyền các địa phương và trình độ cán bộ cũng ảnh hưởng đến tiến độ công việc.
Đường giao thông NTM xã Vân Sơn (Triệu Sơn). Ảnh: PV
Chỉ còn không đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm, nhưng theo số liệu tổng hợp từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, kết quả giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG XDNTM năm 2023 trên địa bàn tỉnh mới đạt tỷ lệ trung bình 48,18%. Theo kế hoạch vốn phân bổ năm nay là 528,19 tỷ đồng thì trong 2 tháng cuối năm, toàn tỉnh phải giải ngân thêm gần 275 tỷ đồng, chiếm 51,82% tổng nguồn vốn. Cùng với đó, nguồn vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 cũng mới đạt tỷ lệ giải ngân hơn 90%.
Theo rà soát chi tiết của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh Thanh Hóa, trong số 27 huyện, thị xã, thành phố được giao chỉ tiêu vốn năm nay, đến nay có tới 14/27 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình, điển hình như: Như Thanh 21%; Thiệu Hóa 21,43%; Ngọc Lặc 19,55%; Quan Sơn 25,36%; Nga Sơn 37,4%; Cẩm Thủy 32,4%; Hà Trung 41,2%… Cá biệt, huyện Mường Lát được giao kế hoạch vốn hơn 5,3 tỷ đồng nhưng đến kỳ rà soát mới nhất vào ngày 10/11/2023, con số giải ngân vẫn đang là 0%.
Theo lý giải của các địa phương và chủ đầu tư, nguồn vốn phân bổ cho chương trình NTM chủ yếu được các địa phương đăng ký nhằm hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng. Do đặc thù của các dự án khởi công mới, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư thường kéo dài từ 4 đến 8 tháng nên vào những tháng cuối năm, các dự án mới có khối lượng thực hiện để thanh toán.
Trên con đường giao thông nông thôn xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy) vừa đưa vào khai thác vận hành tháng 11 vừa qua, đại diện đơn vị tư vấn và quản lý là Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy, cho biết: “Dự án rất thuận lợi về giải phóng mặt bằng khi địa phương huy động được sự đồng thuận của Nhân dân hiến đất, làm đường, nhưng thời gian thực hiện cũng phải kéo dài gần 1 năm. Sau khi được giao vốn cuối năm 2022, chủ đầu tư và Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy đã phối hợp triển khai các thủ tục pháp lý chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, trải qua các quy trình lập thiết kế bản vẽ thi công, thẩm định phê duyệt dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu… thì tới đầu tháng 6/2023 mới có thể bắt đầu thi công”.
Cũng chính vì nguyên nhân tương tự nên trên thực tế, những địa phương có công trình thực hiện khởi công năm 2023 hiện đang đạt tỷ lệ rất thấp và tỷ lệ giải ngân chung của các dự án mới khởi công trên bình diện chung toàn tỉnh mới đạt gần 33,9%.
Cũng theo nhiều địa phương, một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn tới tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn từ chương trình này là do quy trình thực hiện thủ tục các dự án còn phức tạp, chồng chéo, kéo dài. “Một số dự án khi thực hiện các thủ tục pháp lý phụ thuộc vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất làm phát sinh thủ tục pháp lý. Đặc biệt các dự án có ảnh hưởng đến đất lúa, đất rừng cần phải đánh giá tác động môi trường theo quy định trước khi phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, gây ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai dự án” – ông Nguyễn Quốc Vĩnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy chia sẻ.
Cùng với đó, nhiều dự án bị “tắc” do còn bất cập, thiếu các thủ tục liên quan cũng như chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phê duyệt quy hoạch chi tiết, chưa có trong danh mục công trình đầu tư công… Điển hình như tại huyện Thọ Xuân, năm 2023, địa phương được phân bổ nguồn vốn Chương trình MTQG XDNTM hơn 15 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn kế hoạch năm 2023 là 13,45 tỷ đồng và 1,585 tỷ đồng vốn năm 2022 kéo dài. Đến hết ngày 15/11, địa phương mới giải ngân được hơn 5 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2023, chỉ đạt tỷ lệ 37,55%. Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Thọ Xuân, hầu hết các dự án khởi công mới năm 2023 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để đề nghị cấp kinh phí. Cùng với đó, một số hạng mục dự án mới có quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết 397/NQ-HĐND của HĐND tỉnh cần phải được bổ sung vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và đầu tư công năm 2023 mới có cơ sở để thực hiện, do đó ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân các dự án.
Công trình nước sạch được thụ hưởng từ nguồn vốn Chương trình MTQG XDNTM tại bản Khuông, xã Nam Xuân (Quan Hóa).
Bên cạnh đó, cả 3 chương trình MTQG được thực hiện cùng thời điểm là nguồn lực lớn nhưng cũng là áp lực cho công việc triển khai của các địa phương nói chung. Tuy đã được ghi vốn, nhưng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương phân bổ vẫn chậm. Thực tế, được triển khai từ năm 2021, tuy nhiên đến giữa năm 2022, nghị quyết về danh mục dự án mới được ban hành và cuối năm 2022, các dự án mới bắt đầu được giao vốn. Cộng thêm khó khăn về tỷ lệ đối ứng khiến tiến độ thực hiện tại một số địa phương còn chậm trễ. Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, chia sẻ: “Từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản trầm lắng, các mặt bằng đấu giá trên địa bàn không thực hiện được dẫn đến nguồn thu từ thuế sử dụng đất để các xã đối ứng thực hiện các công trình không đạt được như dự kiến, ảnh hưởng chung đến việc triển khai tiến độ các dự án. Đến nay, huyện Hà Trung mới giải ngân được 76% vốn kéo dài từ năm trước sang và 6/14,5 tỷ đồng (tương đương 41,2%) vốn phân bổ năm 2023”.
Cũng theo lý giải của các địa phương, sự chậm trễ giải ngân này có phần do chủ đầu tư là cấp xã rất bị động trong khâu chuẩn bị đầu tư, dẫn đến một số công trình, dự án chưa đáp ứng yêu cầu nên phải điều chỉnh nhiều lần. Cùng với đó, việc lựa chọn, xác định danh mục cũng như quy mô các công trình, dự án còn nhiều sai sót; cộng với một số công trình dân dụng, cấp nước sạch nông thôn chưa đáp ứng các điều kiện giao vốn chi tiết nên mất thêm thời gian bổ sung và hoàn thiện thủ tục.
Về lý do này, không thể “đổ lỗi” do chính sách mà ở chính năng lực điều hành của con người. Có thể nhìn vào kết quả giải ngân chung toàn tỉnh, khi cùng một cơ chế, chính sách và hệ thống quy phạm pháp luật nhưng mỗi địa phương có những kết quả khác nhau. Bên cạnh 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình, thì đến ngày 15/11 này, nhiều địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao, thậm chí sắp về đích như: Huyện Triệu Sơn 92,7%; thị xã Bỉm Sơn 91,36%; huyện Hoằng Hóa 88,8%… Đặc biệt, một số huyện miền núi có số vốn giao lớn như Quan Hóa, Lang Chánh nhưng cũng đạt tỷ lệ giải ngân cao.
Năm 2023, huyện Quan Hóa là địa phương được giao nguồn vốn theo Chương trình MTQG XDNTM nhiều nhất trong các địa phương toàn tỉnh với 61,25 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 11/11, địa phương đã giải ngân 86% nguồn vốn phân bổ này. Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa chia sẻ: Để triển khai kịp thời và hiệu quả nguồn vốn chương trình, địa phương đã chú trọng và thực hiện bài bản ngay từ khâu đề xuất, lựa chọn danh mục dự án, tránh việc chồng chéo giữa 3 chương trình MTQG. Huyện đã triển khai cho các xã tổ chức nhiều cuộc họp và lấy đề xuất từ thôn, bản, chỉ đạo các phòng chuyên môn đi thực tế kiểm tra, đánh giá về nhu cầu đầu tư nhằm phát huy hiệu quả dự án. Do vậy, khi nghị quyết về danh mục đầu tư được ban hành thì địa phương không có dự án bị trùng lắp, không phải thực hiện điều chỉnh gây kéo dài thời gian thực hiện. Các dự án cũng được đề xuất trên cơ sở rà soát sự thiếu hụt của các tiêu chí NTM, do đó sát với nhu cầu thực tế và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, sau khi rà soát năng lực và lấy ý kiến của chủ đầu tư cấp xã, huyện đã thống nhất giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện ký hợp đồng ủy thác về quản lý dự án để có chuyên môn sâu về trình tự thực hiện thủ tục đầu tư cũng như giám sát thực hiện công trình, hạn chế sự chậm trễ, thiếu sót. UBND huyện cũng giao các phòng chuyên môn dành thời gian tối đa, bố trí cán bộ làm thêm giờ để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ; thường xuyên giao ban, nắm bắt tình hình thi công, giải ngân nguồn vốn để kịp thời chỉ đạo, giải quyết tháo gỡ.
Những cách làm hiệu quả, linh hoạt, bài bản của “hệ thống” con người chắc chắn sẽ mang lại những kết quả khác trong cùng một hoàn cảnh. Đó cũng là những kinh nghiệm, phương pháp triển khai khoa học, trách nhiệm để tiến độ giải ngân nguồn vốn MTQG NTM sớm “cán đích” thành công.
Bài và ảnh: Nhóm PV
Bài cuối: Tăng tốc trước vạch đích.