Năm 2024, trong lúc nhiều địa phương trên cả nước gặp khó khăn khi giải ngân vốn đầu tư công thì Thanh Hóa vẫn liên tục lọt top giải ngân cao. Tính đến ngày 28/10, Thanh Hóa đã giải ngân được 9.301,7 tỷ đồng, đạt 65,9% kế hoạch vốn phân bổ, đứng thứ 4 cả nước. Bước vào cao điểm “chạy nước rút” những tháng cuối năm, các chủ đầu tư, đơn vị thi công đang quyết tâm tháo gỡ những “nút thắt” còn tồn tại, tổ chức thi công hiệu quả để “cán đích” mục tiêu giải ngân 100% nguồn vốn này.
Quảng trường biển – trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn được tỉnh Thanh Hóa và Tập đoàn Sun Group phối hợp thực hiện theo hình thức PPP đã khánh thành, góp phần “thăng hạng” du lịch Sầm Sơn. Ảnh: PV
Không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư công còn được xem là “vốn mồi” để kích hoạt các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia phát triển kinh tế – xã hội. Với phương châm không đầu tư dàn trải, nguồn vốn này đang được Thanh Hóa ưu tiên phân bổ, triển khai các công trình, dự án mang lại đột phá chiến lược về hạ tầng, kỳ vọng tạo ra những không gian phát triển mới trong tương lai!
Những dự án “mở đường”
Ví như “Hạ Long của xứ Thanh”, Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh) với quần thể núi, rừng, sông, hồ đa dạng, những hang động với nhũ đá lung linh, huyền ảo, hội đủ các yếu tố để phát triển thành một vùng du lịch sinh thái lý tưởng mang tầm quốc gia. Nơi đây, hứa hẹn sự “thay da đổi thịt” khi “đại dự án” đường Vạn Thiện đi Bến En đang cận kề ngày thông tuyến.
Những ngày cuối tháng 10, diện mạo tuyến đường nghìn tỷ, quy mô 4 làn xe đã cơ bản thành hình. Nút giao Vạn Thiện cũng đã thông xe với tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông. Từ nút giao này, các tuyến xe Bắc vào, Nam tới trên cao tốc có thể phóng tầm mắt nhìn về phía Tây Thanh Hóa, với nhấp nhô đồi núi bao bọc lòng hồ Bến En nên thơ, kỳ thú… Đặc biệt, tuyến đường khi hoàn thành sẽ thêm một “cú huých” thúc đẩy quyết tâm khai thác khu du lịch Bến En của các nhà đầu tư “tầm cỡ”, tạo động lực tăng trưởng mới cho các huyện phía Tây Nam của tỉnh.
Chính thức khởi công ngày 22/8/2022, một khối lượng công việc khổng lồ đã được chủ đầu tư xây lắp là Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa và chủ đầu tư giải phóng mặt bằng (UBND huyện Nông Cống, Như Thanh) tức tốc triển khai. 69ha diện tích bị thu hồi, ảnh hưởng tới 822 hộ, trong đó có 110 hộ phải tiến hành tái định cư đã được chính quyền 2 huyện Nông Cống và Như Thanh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung thực hiện, với 99% tổng chiều dài tuyến đã bàn giao.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Điều hành dự án 2, Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa kiêm giám sát trưởng dự án đường Vạn Thiện đi Bến En, cho biết: “Công trường đang huy động 17 mũi thi công triển khai hầu hết các hạng mục; trong đó có 7 mũi thi công nền đường, 6 mũi thi công cấp phối đá dăm, 3 mũi thi công móng, vỉa hè, cây xanh và 1 mũi thi công các hạng mục điện. 70% khối lượng phần xây lắp, với 12km tuyến đường đã hoàn thành nền, 6/6 chiếc cầu trên tuyến đã xong đến mặt cầu và lan can. Cùng phối hợp với chính quyền 2 huyện Nông Cống và Như Thanh giải quyết một số vướng mắc còn lại trong giải phóng mặt bằng (GPMB), chúng tôi cũng tăng cường đôn đốc thi công, giám sát bảo đảm chất lượng các hạng mục để nghiệm thu từng phần, phấn đấu hoàn thành thông tuyến đại dự án này vào dịp đón Xuân Ất Tỵ 2025”.
Thi công rải thảm nhựa Dự án đường Vạn Thiện đi Bến En qua địa bàn huyện Nông Cống.
Kết nối trực tiếp với dự án đường Vạn Thiện đi Bến En, huyện Như Thanh cũng đã hoàn thành dự án đường Bến En đi trung tâm thị trấn Bến Sung, với tổng chiều dài 2,8km. Tuyến đường đã góp phần kết nối khu du lịch Bến En với Quốc lộ 45 và đường Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đi từ hướng đường Hồ Chí Minh vào khu du lịch, từng bước hình thành tuyến đường vành đai phía Đông thị trấn Bến Sung theo quy hoạch. Tuyến đường này cũng đồng thời chia sẻ lưu lượng giao thông với Quốc lộ 45 đoạn qua trung tâm thị trấn Bến Sung, mở ra không gian phát triển và khai thác quỹ đất khu vực thị trấn Bến Sung, tăng cường khả năng kết nối thị trấn Bến Sung với các khu du lịch Bến En và Am Tiên.
Đồng chí Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết: “Trong bộn bề công việc GPMB nhiều dự án trọng điểm và cấp bách mà huyện cần thực hiện của năm nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung cao độ cho công tác GPMB cũng như đôn đốc thi công dự án này. Hiện nay, dự án đã hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác đúng kế hoạch đề ra”.
Với phương châm “giao thông đi trước, mở đường”, từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn đầu tư công mà Trung ương và tỉnh phân bổ đã đầu tư, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với tổng chiều dài 594,9km, gấp 1,3 lần mục tiêu kế hoạch nhiệm kỳ. Nhiều dự án quan trọng đã đưa vào vận hành có ý nghĩa quan trọng trong kết nối liên vùng, từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân và giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư phát triển. Có thể điểm tên hàng loạt những dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm nay như: đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 1.343 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 506B đoạn thị trấn Lam Sơn đi xã Thọ Lập (Thọ Xuân) với tổng mức đầu tư 138 tỷ đồng; dự án xây dựng cầu Bến Kẹm (Bá Thước) với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng; đường giao thông từ thị trấn Yên Cát đi xã Tân Bình…
Tháng 5 vừa qua, “nhịp cầu nối những bờ vui” – cây cầu bắc qua sông Chu với tổng mức đầu tư hơn 921 tỷ đồng cũng đã hợp long thành công. Công trình trọng điểm này chính thức vận hành, sẽ rộng mở cơ hội kết nối giao thương, trao đổi hàng hóa cho Nhân dân 2 huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa và vùng lân cận; đồng thời rút ngắn con đường đi tới Cảng Hàng không Thọ Xuân của người dân, nhà đầu tư từ các huyện: Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc.
Khơi nguồn lực đầu tư công để dẫn dắt đầu tư
Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được “cơn khát” đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng với nguồn vốn lớn, “vốn mồi” đầu tư công tại Thanh Hóa đã phát huy vai trò quan trọng trong kích hoạt nguồn lực từ lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Mùa hè năm nay, dự án Quảng trường biển – trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn có diện tích 15ha, với tổng vốn đầu tư gần 1.456 tỷ đồng mà Tập đoàn Sun Group phối hợp với tỉnh Thanh Hóa thực hiện theo hình thức PPP đã khánh thành, làm nên sự “thăng hạng” của du lịch Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung. Được biết, đây chỉ là một “điểm nhấn” trong “đại dự án” tỷ đô – quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Sầm Sơn. Khi dự án đi vào vận hành tổng thể, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo ngành du lịch, giúp thu hút thêm dòng khách hạng sang, khách quốc tế đến với thành phố biển, mà còn kiến tạo một hệ sinh thái đẳng cấp bao gồm các dự án tầm cỡ, từ đó cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực thu hút thêm các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh tại TP Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung.
Được biết, trong các năm 2023-2024, 3 dự án theo hình thức PPP là dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch và nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, TP Thanh Hóa và vùng phụ cận; tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn, đoạn Quảng Xương – Nghi Sơn; Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn là những dự án trọng điểm được tỉnh Thanh Hóa vào cuộc thúc đẩy thực hiện.
Bên cạnh đó, cùng với kiến tạo thể chế, môi trường phát triển sản xuất, kinh doanh, nguồn lực Nhà nước đã và đang tập trung hướng tới đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Ðiều này cũng sẽ tạo thêm sức lan tỏa, kích thích phát triển, tăng quy mô kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân, làm thay đổi rõ nét diện mạo không chỉ của tỉnh mà tới vùng lân cận.
Tuyến đường tránh Quốc lộ 45 vào CCN phía Tây Bắc thị trấn Quán Lào (nay là CCN số 1 thị trấn Quán Lào) đã hình thành hạ tầng kết nối thuận lợi, góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào CCN này.
Điểm sáng thu hút đầu tư trực tiếp, từ năm 2016 đến nay, huyện Yên Định đã thu hút thành công 84 dự án mới, với tổng mức đầu tư 9.900 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 2 năm 2021-2023, địa phương này đã huy động được 25 dự án, với tổng vốn đầu tư 4.560 tỷ đồng; trong đó có 5 dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Từ năm 2016-2023, tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện Yên Định khoảng gần 24.472 tỷ đồng, gấp 4,5 lần giai đoạn 2011-2015. Đáng chú ý, các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn đang tạo sức hút đối với nhiều nhà đầu tư, như: CCN số 1 thị trấn Quán Lào với diện tích 72,5ha đã đạt tỷ lệ lấp đầy 59%; CCN số 2 đạt tỷ lệ lấp đầy đạt 22,7%; CCN Quý Lộc có diện tích 22,9ha đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án may với diện tích khoảng 4,2ha.
Theo lãnh đạo huyện Yên Định, với quan điểm kết cấu hạ tầng là yếu tố đi trước mở đường, địa phương đã tập trung rà soát quy hoạch, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông. Đến nay, nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện đã được cải tạo, nâng cấp mở rộng, kết nối trung tâm hành chính huyện với trung tâm các xã và các vùng phụ cận, với các cụm công nghiệp, các khu dân cư mới, tạo ra những hành lang phát triển mới.
Có thể kể đến một số dự án được đầu tư bài bản trên địa bàn huyện Yên Định, như: dự án đường giao thông nối Quốc lộ 45, xã Định Liên với Quốc lộ 47B, xã Yên Trường; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Yên Hoành đến đường tránh phía Nam thị trấn Quán Lào; tuyến đường tránh Quốc lộ 45 vào CCN phía Tây Bắc thị trấn Quán Lào… Các công trình đều được quy hoạch có trọng tâm, trọng điểm, thiết kế có tầm nhìn, gắn với mục tiêu XDNTM nâng cao và định hướng phát triển Yên Định trở thành đô thị trực thuộc tỉnh trong tương lai.
Đặc biệt, với quyết tâm sớm đưa Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) xứng tầm lợi thế, từ Trung ương tới tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng nơi đây, với nhiều dự án hạ tầng giao thông đã và đang triển khai. Bộ Giao thông – Vận tải đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc Nam đoạn qua KKTNS (giai đoạn 1) với quy mô 4 làn xe hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tháng 9/2023. Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng đã hoàn thành.
Từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn ngân sách tỉnh cũng đã đầu tư huy động khoảng 6.296 tỷ đồng triển khai nhiều công trình quan trọng như: dự án đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn, dự án cải dịch sông Tuần Cung, dự án đường Bắc Nam 2, dự án đường Đông Tây đoạn nối đường Bắc Nam 1B với đường Bắc Nam 3, đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn. Nhiều dự án lớn đang tích cực được đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ như: đường Đông Tây 1 kéo dài – KKTNS; đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trục chính phía Tây – KKTNS; phát triển tổng hợp các đô thị động lực – tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; đường nối cao tốc Bắc Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn; đầu tư hệ thống thoát nước đường 513 – KKTNS;…
Đồng chí Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp tỉnh, cho biết: “KKTNS hiện đã thu hút 311 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 161.619 tỷ đồng và 25 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 12,8 tỷ USD. Trong năm 2025, KKTNS dự kiến sẽ thu hút được các dự án lớn, trọng điểm mà các nhà đầu tư đã quan tâm, khảo sát thời gian gần đây, như: Khu công nghiệp dược phẩm công nghệ cao Việt Nam – Ấn Độ với tổng mức đầu tư 62 triệu USD; nhà máy xi măng Đại Dương 3 với tổng mức đầu tư 5.990 tỷ đồng; khu bến Bắc Nghi Sơn mở rộng với tổng mức đầu tư 14.119 tỷ đồng; dự án điện khí LNG Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 58.026 tỷ đồng”.
Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã thu hút 350 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 55 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 58.480 tỷ đồng và 831,6 triệu USD. Tại Thanh Hóa đã xuất hiện những tên tuổi thuộc top 200 thế giới như: Tập đoàn Idemitsu Kosan; Marubeni Corporation, Mitsui Chemicals; Taiheiyo Cement Corporation (Nhật Bản); Tập đoàn Kepko Hàn Quốc; SK Engineering & Construction (Hàn Quốc); Kuwait Petroleum International (Cô-oét); Tập đoàn Musim Mas (Singapore)… Các nhà máy tầm cỡ quốc gia và quốc tế của các nhà đầu tư này đi vào hoạt động đã nâng tầm uy tín, vị thế của sản phẩm hàng hóa xứ Thanh, không chỉ với trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế. |
Đặc biệt, nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, tỉnh Thanh Hóa đã huy động nguồn lực đầu tư, bố trí gần 8.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư một số dự án lớn quy mô từ 4 – 8 làn xe, kết nối các tuyến đường trọng điểm của tỉnh với dự án cao tốc thông qua các nút giao, tạo “đòn bẩy” thu hút đầu tư.
Từ một tỉnh xuất phát điểm thấp, nhưng đến nay, Thanh Hóa đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư có tên tuổi trong và ngoài nước. Tới đây, Dự án Trung tâm Thương mại AEONMALL Thanh Hóa sẽ khởi công; các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp: Phú Quý với tổng mức đầu tư 55 triệu USD, Giang Quang Thịnh với tổng mức đầu tư 53 triệu USD, khu công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 122 triệu USD cũng sắp hiện thực hóa sau biên bản ghi nhớ, là “trái ngọt” minh chứng cho những nỗ lực, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư xứ Thanh; trong đó có những kết quả từ khâu đột phá phát triển hạ tầng.
Nhóm PV
Bài 2: Rốt ráo gỡ vướng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-quyet-tam-giu-vi-the-top-dau-bai-1-kich-hoat-nguon-luc-229448.htm