Đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, vừa là nguồn lực, vừa là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là “vốn mồi” để kích hoạt, huy động đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước, tạo ra việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được coi là lực đẩy quan trọng để kích thích tăng trưởng, tạo nền tảng cho nền kinh tế bứt phá mạnh mẽ hơn trong trung và dài hạn.
Cầu Lạch Trường – cây cầu vượt cạn dài nhất Thanh Hóa. Ảnh: Phạm Lực (Ban QLDA Đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa)
Theo tính toán, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP cả nước tăng thêm 0,058%; giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài Nhà nước, góp phần kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững [1].
Xác định được vị trí, vai trò quan trọng của đầu tư công đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 của Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng, cao hơn so với cùng kỳ và là một trong những kỳ 6 tháng đầu năm có kết quả tốt nhất, toàn diện nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cụ thể là: Tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa phân bổ, giao kế hoạch là 12.115,663 tỷ đồng, cao hơn 930,61 tỷ đồng so với tổng số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa đạt 56,83% (cao gấp khoảng 1,9 lần so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước), đứng thứ hai về giải ngân vốn nhanh trong 63 tỉnh, thành phố.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng nêu trên đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 65.885 tỷ đồng, bằng 48,8% kế hoạch, tăng 3,2% so với cùng kỳ; thu hút 59 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 12 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.905 tỷ đồng và 177,5 triệu USD.
Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp. Đó là: (1) Công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2024 đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh và HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sớm (ngay từ cuối năm 2023), tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư, các đơn vị triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024. (2) Tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong tiến độ thực hiện các dự án. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức khoảng 15 đợt kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn; tổ chức các hội nghị giao ban toàn tỉnh với UBND cấp huyện, các chủ đầu tư và hội nghị chuyên đề theo ngành, lĩnh vực. (3) Tập trung xử lý, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; vướng mắc, xung đột giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, về chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất thực hiện dự án. (4) Thanh Hóa đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền những nội dung về đầu tư, xây dựng, đất đai, như: ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, phê duyệt giá đất cụ thể để tính chi phí giải phóng mặt bằng; ủy quyền cho Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp phê duyệt dự án đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án.
Trong thời gian tới, để kế hoạch đầu tư công thực hiện đảm bảo quy định của pháp luật, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước – một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc theo Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; các cấp, các ngành cần phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong việc triển khai thực hiện các dự án. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư các dự án. Nâng cao tính sẵn sàng, không để xảy ra tình trạng “vốn chờ thủ tục”. Các chủ đầu tư phải lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo đủ năng lực trong lập dự án; kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định; hạn chế việc chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần do không đạt yêu cầu. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư là bước đầu tiên trong quá trình thực hiện, có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự cần thiết, tính khả thi của dự án, nên cần phải tập trung thực hiện giai đoạn này thật tốt làm tiền đề cho giai đoạn thực hiện dự án.
Ba là, xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án (cụ thể mốc thời gian thực hiện đối với từng hạng mục công trình, gói thầu) và thực hiện nghiêm kế hoạch giải ngân từng quý, từng tháng. Các chủ đầu tư tăng cường giám sát, tần suất kiểm tra hiện trường, đôn đốc các nhà thầu “vượt nắng, thắng mưa” đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Phân công cụ thể lãnh đạo trực tiếp theo dõi tiến độ từng dự án. Rà soát, đánh giá khả năng thực hiện từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án chậm tiến độ sang dự án có tiến độ nhanh.
Bốn là, xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Coi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai dự án đúng tiến độ. Các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc phạm vi bồi thường, giải phóng mặt bằng.Tính toán đầy đủ và chính xác các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật phải di chuyển, tránh xảy ra vướng mắc, phát sinh thêm chi phí, làm tăng tổng mức đầu tư. Phải ưu tiên bố trí đủ vốn cho giải phóng mặt bằng, phần vốn còn lại mới bố trí cho xây lắp; không để xảy ra tình trạng dự án hoàn thành thủ tục xây dựng lại chờ mặt bằng sạch để thi công.
Năm là, tiếp tục tháo gỡ kịp thời và dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên, nguồn cung nguyên vật liệu. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đất, cát, đá, chuyển mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất lúa sang thực hiện dự án, đảm bảo nhanh và phù hợp với quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng; cập nhật và điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá theo quy định.
Sáu là, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh ngay các tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện dự án. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các sở, ban, ngành, các ban quản lý, các tổ chức và cá nhân vi phạm, cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
[1] Theo Báo đấu thầu đăng ngày 30/4/2024.
Lê Minh Nghĩa
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/giai-ngan-nguon-von-dau-tu-cong-phat-huy-hieu-qua-vao-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-222515.htm