Với hàng trăm ha đất canh tác phải thu hồi phục vụ các dự án, đã và đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền xã Quảng Yên bài toán phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong diện đã giải phóng mặt bằng.
Trồng hành trên diện tích quy hoạch vùng rau VietGAP ở xã Quảng Yên.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Yên, ông Trần Ngọc Danh cho biết: Trên địa bàn xã hiện nay đang triển khai, thực hiện nhiều dự án như: Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen Thanh Hóa (giai đoạn 1); xây dựng khu tái định cư; xây dựng cụm công nghiệp Quảng Yên… Các dự án này có diện tích đất đã và đang phải thu hồi gần 200 ha (chủ yếu là đất nông nghiệp). Vì vậy, để đảm bảo cuộc sống người dân khi diện tích đất nông nghiệp đang ngày bị thu hẹp, địa phương đã xác định ngoài nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, cần quan tâm phát triển dịch vụ – thương mại. Đồng thời đưa nghề nông thôn và thu hút doanh nghiệp vào hoạt động nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Để nâng cao giá trị thu nhập trên 280 ha đất lúa và 30 ha đất màu, Quảng Yên đã tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng như L12, Bắc Thịnh, BTR 225, Bắc Thơm… Đồng thời, tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân đạt 70 – 75 tạ/ha, tăng 5 – 10 tạ/ha so với năm 2021. Đặc biệt, với việc quy hoạch vùng lúa nếp hương, diện tích 80 ha sản xuất theo chuỗi liên kết tại 2 thôn Yên Vực, Trung Đào và xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 9 ha tại thôn Cổ Duệ, từ đó đã góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và hiện tại đạt 100 – 150 triệu đồng/ha/năm.
Trong phát triển doanh nghiệp và ngành nghề nông thôn, cùng với việc du nhập nghề mới như mây giang xiên, xã Quảng Yên luôn tạo điều kiện về thủ tục, quỹ đất giúp doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, toàn xã có 28 doanh nghiệp, 150 hộ sản xuất và dịch vụ, như: cơ khí, gò, hàn, điện tử, điện lạnh, vận tải, mộc dân dụng, xây dựng… Các doanh nghiệp và hộ sản xuất cá thể đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong xã, với mức thu nhập ổn định dao động từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Với lợi thế có chợ Lăng, có các tuyến Quốc lộ 45, đường tỉnh 504 đi qua địa bàn và có suối khoáng nóng là điều kiện để Quảng Yên phát triển thương mại – dịch vụ (TM- DV). Vì thế, xã đã khuyến khích các hộ mở rộng sản xuất, kinh doanh đa dạng các mặt hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân trong và ngoài địa bàn. Những năm gần đây, nhất là khi trên địa bàn xã triển khai dự án Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen Thanh Hóa (giai đoạn 1), lĩnh vực TM – DV của xã có nhiều khởi sắc cả về loại hình, quy mô, chất lượng, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Hiện trên địa bàn xã có 440 hộ kinh doanh dịch vụ buôn bán (chiếm 20% tổng số hộ trên địa bàn). Các ngành dịch vụ này, ngoài đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ sản xuất, đời sống Nhân dân còn góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế của xã. Hiện nông nghiệp, thủy sản chiếm 18,5%; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm 44%; TM – DV chiếm 37,5%.
Nhờ tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 70 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,67%. Xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021 và đang tiếp tục lộ trình hoàn thiện các tiêu chí kiểu mẫu, hướng đến đô thị văn minh.
Ông Trần Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Yên cho biết: Địa phương sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời đấu mối với cơ quan, doanh nghiệp tổ chức dạy nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động khi các dự án trên địa bàn đi vào hoạt động. Để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng thành vùng sản xuất tập trung, đưa các loại cây trồng có giá trị hiệu quả cao như các loại hoa, dưa vàng… vào sản xuất theo hướng hàng hóa.
Bài và ảnh: Minh Lý