Ngày càng có nhiều nông dân không mặn mà với ruộng đồng bởi sản xuất quy mô nhỏ cho hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra nông sản bấp bênh, thiếu lao động và nhiều nguyên nhân khác. Theo đó, tình trạng bỏ ruộng hoang, bỏ vụ đã diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Một số địa phương đã giải quyết được tình trạng này nhờ khuyến khích tích tụ, tạo cơ chế cho người dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất lớn…
Cánh đồng Dọc Khang ở xã Dân Quyền (Triệu Sơn) nhiều năm không được canh tác.
Theo ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: “Ở Thanh Hóa, tình trạng bỏ ruộng nhiều nhất là giai đoạn 2013-2015 với khoảng 5.200ha đất không canh tác. Điển hình nhất vào thời điểm ấy là 2 xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa) và Tiến Lộc (Hậu Lộc), mỗi xã hàng trăm ha. Sau đó, tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương đã đưa ra và thực hiện hàng loạt các giải pháp khắc phục. Từ đó đến nay, bài toán ruộng hoang dần được khắc phục, nhiều diện tích được tái sản xuất, phát huy được giá trị quỹ đất.
Trở lại xã Thiệu Giao trong vụ lúa thu mùa vừa qua, những “bờ xôi ruộng mật” đã thay thế cho hàng loạt khu ruộng hoang những năm trước. Chia sẻ kinh nghiệm xóa bỏ ruộng hoang của địa phương, Chủ tịch UBND xã Thiệu Giao Nguyễn Đình Bảy, cho biết: “Giai đoạn 2017-2018, xã có cả chương trình riêng về nhiệm vụ tích tụ, dồn đổi đất nông nghiệp lại thành các nhóm hộ sản xuất. Nhiều cá nhân có nhân lực và tư duy đổi mới, được xã tạo điều kiện dồn đổi, thuê lại đất của những hộ không sản xuất để hình thành vùng lúa hàng chục ha. Khi có diện tích lớn, các hộ tự đầu tư máy móc, đưa cơ giới hóa vào thay thế sức người, trở thành những mô hình sản xuất có trình độ thâm canh và cơ giới hóa cao. Những năm gần đây, hàng loạt điển hình tích tụ đất trồng lúa liền vùng trong xã như hộ bà Lê Thị Tú 15ha, hộ ông Lê Thiện Cần 20ha, các hộ ông bà: Lê Viết Tâm, Lê Thị Mười, Lê Hữu Phước, mỗi hộ 10ha… Thu nhập của các hộ này đạt 400 đến 500 triệu đồng/năm, trở nên khá giả, đồng thời cùng địa phương xóa bỏ tình trạng bỏ ruộng hoang. Đến nay, Thiệu Giao không còn diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang”.
Tại xã Tiến Lộc, những cánh đồng hoang hóa của người dân địa phương nhiều năm trước, nay đã được phủ xanh bởi những cây trồng nông nghiệp xanh mướt. Nơi đây có nghề rèn truyền thống nên nhiều hộ dân không còn làm ruộng, song với sự động viên và định hướng, tạo điều kiện của chính quyền, nhiều người đã thuê máy móc, tự tích tụ thành những khu canh tác lớn. Đi khắp các cánh đồng của xã thời điểm này, đất nông nghiệp đã được khơi dậy. Duy chỉ có cánh đồng Ngõ Tháp của người dân làng Sơn do giáp khu dân cư, lại trũng thấp nên thường xuyên ngập lụt, vẫn bị bỏ hoang.
Những năm gần đây, xã Dân Quyền (Triệu Sơn) được coi là một trong những địa phương có diện tích ruộng hoang và bỏ cấy vụ mùa lớn nhất nhì ở huyện Triệu Sơn. Tổng hợp từ UBND xã Dân Quyền, địa phương có gần 100ha đất một vụ lúa không ăn chắc. Những diện tích này hay bị ngập lụt nên các hộ dân thường không cấy vào vụ mùa, trong đó có khoảng 30% bỏ hoang nhiều năm. Từ năm 2022 đến nay, được sự khuyến khích, gia đình anh Trần Văn Thanh ở thôn 10 trong xã đã thuê lại toàn bộ khu Đồng Kha với diện tích 20ha để sản xuất. Có được diện tích tập trung lớn, anh Thanh đầu tư luôn 2 máy cấy, 2 máy làm đất, 1 máy gặt, cơ sở sản xuất mạ khay để vừa làm dịch vụ, vừa canh tác cho gia đình. Tổ chức sản xuất tốt, anh thu lợi nhuận khoảng 400 đến 500 triệu đồng ở các vụ lúa xuân và khoảng từ 200 đến 300 triệu đồng ở vụ lúa mùa.
Không những trở nên khá giả, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, anh Trần Văn Thanh đang cùng xã Dân Quyền khắc phục được 20ha ruộng hoang. Hiện xã cũng đang kêu gọi cá nhân, tổ chức thuê đất phát triển diện tích sản xuất lớn ở những diện tích người dân không còn mặn mà canh tác.
Nhìn lại lộ trình giải bài toán bỏ ruộng hoang của tỉnh trong nhiều năm qua, ông Vũ Quang Trung khẳng định: “Ngành nông nghiệp đã tham mưu với tỉnh chỉ đạo các địa phương từng bước tháo gỡ bằng nhiều cách. Đầu tiên là thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tập trung, có sự hợp tác giữa các nhóm hộ, giữa nông dân với HTX hoặc doanh nghiệp. Tín hiệu vui là đến thời điểm hiện nay, khoảng 30% diện tích trồng trọt của tỉnh đã được liên kết sản xuất, tương đương khoảng 80 nghìn ha mỗi năm. Giải pháp hiệu quả khác là Thanh Hóa có bước tiến lớn trong phát triển hạ tầng nông nghiệp. Tỉnh cùng các địa phương đã hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, hệ thống điện cho sản xuất nông nghiệp… để từng bước hoàn thiện điều kiện cho sản xuất hiện đại”.
Cũng theo ông Trung, rõ nhất về đầu tư hạ tầng để khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang chính là khu vực các xã vùng 3 huyện Nông Cống. Khi được đầu tư hệ thống tiêu hiện đại, đã có hơn 200ha đất nông nghiệp được sản xuất trở lại. Nhiều diện tích khác được các địa phương trong huyện khuyến khích người dân dồn đổi để xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, cho hiệu quả kinh tế cao.
Gần 10 năm qua, tính trung bình, mỗi năm, tỉnh Thanh Hóa dành khoảng 150 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp. Với các cơ chế, chính sách phù hợp đã giúp các địa phương và người nông dân cơ cấu lại cây trồng, bố trí các vùng sản xuất đan xen để khắc phục bỏ phí đất đai.
Tuy diện tích ruộng bị bỏ hoang, bỏ vụ đã được cải thiện đáng kể, song những vụ gần đây nhất, tình trạng bỏ ruộng vẫn diễn ra nhiều nơi trong tỉnh. Nguyên nhân được các địa phương đánh giá là do nhiều nghề phụ phát triển, thu hút lao động nông nghiệp sang nhiều lĩnh vực khác. Những người trong độ tuổi lao động chuyển sang làm công nhân và các nghề khác cho thu nhập cao hơn nhiều những mảnh ruộng manh mún, sản xuất thủ công. Đó là chưa kể, nông nghiệp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, lại vất vả hơn nhiều ngành nghề khác…
Thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, thời điểm năm 2024 này, vẫn còn tình trạng nông dân bỏ ruộng với diện tích khoảng từ 1.300 đến 1.400ha, chủ yếu là đất lúa ở vụ mùa. Tỉnh vẫn đang tích cực kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất, ứng dựng công nghệ cao, hiện đại. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tích tụ đất đai, khuyến khích nông dân dồn đổi, cho thuê những ruộng không sản xuất để các tập thể, cá nhân có tiềm lực đứng ra tổ chức sản xuất lớn, xây dựng các nông trại hiện đại. Những khu đồng sâu trũng, nhiều địa phương đã dồn đổi, kêu gọi người dân kết hợp nuôi trồng thủy sản, thành lập các trang trại, gia trại cũng đang là giải pháp tốt để phát huy quỹ đất bỏ hoang.
Bài và ảnh: Linh Trường
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/giai-bai-toan-bo-ruong-hoang-230517.htm