Trong thời đại công nghệ 4.0, người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu được thông tin sản phẩm hàng hóa qua mã số, mã vạch được in trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh, cung ứng cũng dễ dàng quản lý được nguồn hàng và chất lượng sản phẩm hơn khi sản phẩm đó có mã vạch.
Nhân viên Siêu thị Go! Thanh Hóa ứng dụng quét mã số, mã vạch trên bao bì sản phẩm.
Mã vạch của sản phẩm hàng hóa bao gồm mã số để nhận diện và phần mã vạch chỉ dành riêng cho máy tính, máy quét đưa vào hệ thống quản lý. Ở Việt Nam hầu hết đang áp dụng chuẩn mã vạch EAN với 13 chữ số, chia làm 4 nhóm với 3 số đầu là mã số quốc gia, 4 số tiếp theo là mã số doanh nghiệp, tiếp 5 số là mã số hàng hóa, số cuối cùng là số về kiểm tra. Mã vạch được xem như “chứng minh thư” của hàng hóa để lưu thông trên thị trường, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt được chính xác các loại hàng hóa họ cần. Bởi khi quét mã vạch, mọi thông tin từ nguồn gốc xuất xứ, tên doanh nghiệp sản xuất, lô, tiêu chuẩn chất lượng đăng ký, thông tin về kích thước sản phẩm… đều hiện ra. Việc in mã số, mã vạch trên bao bì sản phẩm cũng giúp các doanh nghiệp, nhà phân phối quản lý sản phẩm một cách hiệu quả hơn. Từ việc phân loại riêng từng mặt hàng, theo dõi số lượng sản phẩm đến kiểm kê kho hàng để nắm chắc thông tin về doanh thu và xu hướng tiêu thụ của khách hàng. Bên cạnh đó, mã vạch còn giúp ngăn chặn được tình trạng giả mạo sản phẩm, từ đó nâng cao được chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm ngay từ khâu đầu vào.
Theo chị Phạm Hải Hà, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch Hiệp Hà, đường Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa): “Trước đây, mỗi khi hàng mới về, chúng tôi phải mất hàng tiếng, có khi là vài ngày để nhập kho hàng hóa, kiểm kho và lên giá bán cho từng sản phẩm bằng hình thức thủ công như: Ghi chép sổ sách, kiểm hàng đến đâu tra sổ đến đó rồi rà soát từ trên xuống dưới… Có những lúc còn bị nhầm lẫn số liệu và hàng hóa, lại phải kiểm tra lại từ đầu rất mất thời gian. Tuy nhiên sau khi ứng dụng máy quét mã vạch vào mọi công đoạn từ lưu trữ thông tin sản phẩm, phân loại hàng hóa đến kiểm tra hàng tồn kho… thì các khâu đều được đơn giản hóa, rút gọn tối ưu thời gian. Hiện cửa hàng đang dùng phần mềm KiotViet, hàng hóa từ đó luôn được cập nhật chính xác số lượng bán, giá tiền, chỉ số tồn kho giúp cửa hàng tránh nhầm lẫn, thất thoát và chủ động hơn trong việc quản lý. Việc hàng hóa được quản lý bằng hệ thống mã vạch còn giúp cho nhân viên bán hàng thuận tiện hơn khi muốn tìm kiếm hàng hóa theo yêu cầu của khách hàng. Từ đó quy trình bán hàng của cửa hàng trở nên nhanh chóng, hiện đại, đem lại sự hài lòng tối ưu cho khách khi mua hàng”.
Với người tiêu dùng, việc quét mã vạch sản phẩm đã giúp mọi công đoạn tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ, thông tin hàng hóa… được rút gọn lại chỉ bằng một giây quét. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều phần mềm tra cứu mã vạch, có những ứng dụng sử dụng tốt nhưng có những ứng dụng bị lỗi như quét mã không lên hoặc có lên nhưng lại bị sai tên sản phẩm, sai nơi sản xuất… Từ thực trạng này, tháng 5/2019, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố phần mềm quét mã vạch Scan and Check có thể sử dụng trên điện thoại hệ điều hành Android và IOS, cho phép kiểm tra tính hợp pháp, xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là phầm mềm chính thống của quốc gia lần đầu tiên được công bố cung cấp thông tin về chủ thương hiệu, sản phẩm hàng hóa do chính nhà sản xuất kê khai. Với phần mềm này, cơ quan quản lý Nhà nước có thể dễ dàng kiểm tra tình trạng hợp lệ của mã số, mã vạch quốc gia được gắn lên sản phẩm. Doanh nghiệp thì có thể sử dụng mã số, mã vạch đầu 893 (thuộc mã quốc gia) để công khai thông tin về sản phẩm lẫn quảng bá hình ảnh thương hiệu cho thị trường trong nước và nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hợp, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thanh Hóa (Sở Khoa học và Công nghệ): “Việc ứng dụng mã số, mã vạch trong các hoạt động tiêu dùng và quản lý sản phẩm hàng hóa đều có những lợi ích riêng biệt. Người tiêu dùng thì dễ dàng nắm chắc được thông tin về sản phẩm mình mua và sử dụng. Còn các doanh nghiệp quản lý vừa thuận lợi hơn trong việc quản lý, cập nhật thông tin lưu thông, kiểm kê được lượng lớn hàng hóa, vừa biết rõ tình trạng lô hàng đó đã chuyển tới trung tâm phân phối nào hay đang nằm ở vị trí nào trong kho. Từ đó, phần nào hiện đại hóa được quy trình quản lý doanh nghiệp; đồng thời góp phần nâng cao văn minh tiêu dùng của người dân”.
Bài và ảnh: Chi Phạm