Xứ Thanh – mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử luôn tự hào là “cái nôi” của nhiều lễ hội tiêu biểu, được bảo tồn và phát huy giá trị. Nổi bật trong đó là Lễ hội đền thờ Lê Hoàn – tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chương trình sân khấu hóa tái hiện thân thế, sự nghiệp của vua Lê Đại Hành.
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn – một lễ hội truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của vùng “kẻ Sập” (làng Trung Lập ngày nay) gắn với người Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, vị vua đã lập nhà Tiền Lê. Theo nhiều tài liệu để lại, làng Trung Lập ở trên một gò đất cao như thân rồng, nằm giữa hai dòng sông. Nơi đây, hơn 1.000 năm trước khí thiêng của sông núi đã hội tụ, hun đúc sản sinh ra Lê Đại Hành Hoàng đế – người đã xây dựng nền móng độc lập, tự chủ của dân tộc ta, chấm dứt họa xâm lăng hàng ngàn năm của phương Bắc. Là “vùng đất sinh ra vua” nên đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân làng Trung Lập đều gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhà vua.
Sau khi vua băng hà, để ghi nhớ công ơn của ngài, Nhân dân nhiều nơi lập đền thờ, trong đó có người dân làng Trung Lập. Đền được lập trên mảnh đất xưa kia gia đình vua đã ở và hằng năm cứ đến ngày hóa kỵ của ngài (mùng 8 tháng 3 âm lịch), Nhân dân đến bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tưởng nhớ công đức của người và các tướng lĩnh.
Thành thông lệ, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức từ ngày 7 đến 9/3 âm lịch hằng năm, với nhiều nghi lễ truyền thống đặc trưng của văn hóa truyền thống địa phương, như: lễ Mộc dục, lễ Tiến gỏi cá – nhớ lại khi ở kinh đô, nhà vua đã bắt sứ giả Tàu ăn thịt sống, gỏi cá theo truyền thống văn hóa ẩm thực nước ta từ thời đó; tục Bồi tường – gợi nhớ lại khi còn làm tướng, vua Lê Đại Hành đã chỉ huy quân sĩ khi lập đồn, hạ trại phải đào hào, đắp lũy; lễ rước kiệu, lễ tế chính tại đền thờ… Lễ vật dâng vua được người dân chuẩn bị kỹ lưỡng và tự tay làm. Theo người dân địa phương, những sản vật này đều gắn liền với những tích truyện liên quan đến đức vua Lê Đại Hành; đều là sản vật địa phương như: bánh lá, bánh chưng – sản vật của cộng đồng cư dân nông nghiệp.
Điểm nhấn đặc sắc trong lễ hội là nghi thức rước kiệu. Vào sáng mùng 8/3 âm lịch, người dân làng Trung Lập sẽ rước kiệu từ đền thờ ra lăng Quốc mẫu, lăng Hoàng khảo… và quay lại đền chính; thực hiện các nghi thức dâng hương, bái tế trước khi diễn ra phần chính lễ tại đền thờ. Đoàn rước kiệu được tổ chức công phu với cờ lộng, dàn binh khí, bát biểu, phường nhạc bát âm và đoàn phu kiệu là nam thanh, nữ tú được làng chọn lựa kỹ càng.
Theo tục lệ, những người tham gia thực hiện các nghi lễ, lễ tục được các cụ cao niên trong làng Trung Lập chọn lựa theo các quy định khắt khe từ xa xưa. Họ đều là những người có sức khỏe tốt, đức độ, gia đình hòa thuận, không có tang ma, chuyện buồn. Trong đó, chủ tế và người tham gia đội tế là người cao tuổi của làng. Công tác chuẩn bị được người dân thực hiện chu đáo và nghiêm cẩn, tỏ lòng thành kính vô hạn đối với vua, đồng thời mong muốn được đức vua chở che, bảo vệ cho toàn thể dân làng có một cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Cùng với các nghi thức truyền thống, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức sôi nổi với các trò chơi, trò diễn dân gian tái hiện công lao to lớn của nhà vua và các tướng sĩ có công bảo vệ đất nước khỏi họa xâm lăng, như trò đánh mảng, chơi bài điếm, nhảy sạp, trò Xuân Phả, Pồn Pôông.
Theo thời gian, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn trở thành lễ hội lớn trong năm của cộng đồng cư dân làng Trung Lập, cũng như người dân xứ Thanh. Bởi Lễ hội đền thờ Lê Hoàn như một tấm gương phản ánh thân thế, sự nghiệp của vị Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân “kẻ Sập”. Ngày nay, cùng với các nghi lễ truyền thống, chương trình nghệ thuật sân khấu hóa được dàn dựng công phu, tái hiện lại thân thế, sự nghiệp và những sự kiện quan trọng gắn với vua Lê Đại Hành. Tiêu biểu như sự kiện Thái hậu Dương Vân Nga khoác Hoàng bào lên vai Thập đạo tướng quân tài ba. Sự kiện ấy cũng là sự kiện mở đầu cho sự ra đời của vương triều Tiền Lê trong lịch sử dân tộc.
Trò Xuân Phả được tái hiện tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn.
Thông qua các hoạt động tại Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, một giai đoạn lịch sử được “mở ra” và sáng rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của một vùng đất cổ có truyền thống lịch sử lâu đời – một trong những nơi chứa đựng dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Đến với Lễ hội đền thờ Lê Hoàn là một lần được tìm về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, để mỗi người dân hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống. Từ đó, thêm yêu, tự hào về văn hóa, lịch sử của dân tộc, để rồi lịch sử luôn sống mãi trong thế hệ mai sau, trở thành “gốc rễ” của tình yêu dân tộc và “động lực” để cống hiến bảo tồn và phát huy giá trị di sản của thế hệ trẻ.
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn không chỉ mang giá trị sâu sắc về văn hóa, lịch sử mà còn là biểu tượng của sự liên kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc. Đó là sự đoàn kết từ đồng tâm, nhất trí và sự cộng cảm cộng đồng khi hướng về đức vua và những bậc tiền nhân đã có công chống giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước. Gìn giữ Lễ hội đền thờ Lê Hoàn chính là sự tôn vinh công lao của các anh hùng hào kiệt; là gìn giữ văn hóa truyền thống. Đồng thời, giáo dục mọi thế hệ luôn biết trân trọng lịch sử và gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bài và ảnh: Thùy Linh