Thanh Hóa được biết đến là địa phương có nhiều nghề, làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi, với nhiều sản phẩm có tính đặc trưng, mang đậm hồn cốt văn hóa của mỗi địa phương. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, nhiều làng nghề đã thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao cả về mẫu mã và chất lượng. Đồng thời, quan tâm, xây dựng các kênh bán hàng thương mại điện tử để quảng bá, tìm kiếm thị trường, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và sử dụng mạng xã hội để xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề vươn xa.
Người dân tìm hiểu mua sản phẩm đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).
Nếu như trước đây, hầu hết các hộ dân, cơ sở sản xuất trong làng nghề đều làm thủ công, sử dụng máy móc công nghệ cũ, bán tự động khiến cho hiệu suất lao động thấp, tốn nhiều nhân lực thì đến nay, cơ bản các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang dần thay đổi, phát triển mạnh nhờ áp dụng tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất. Trong đó, các làng nghề cơ khí, đúc kim loại ở tỉnh ta đã khẳng định những thành công bất ngờ với nhiều sản phẩm có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành phố trong nước và thậm chí còn vươn xa ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điển hình như nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) có 132 cơ sở tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng khoa học, công nghệ trong khâu mài giũa đồng, làm nguội, tức chuyển từ công năng qua điện năng, hay việc dùng khuôn bằng composite, silicon, áp dụng công nghệ để tạo mẫu hoa văn 3 chiều… Từ đó giúp cho các sản phẩm đồng Trà Đông liên tục được cải tiến mẫu mã, chất lượng ngày càng nâng cao, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng và phục vụ tín ngưỡng của khách hàng trong nước và quốc tế.
Hay tại làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Ba Làng, phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn vốn nổi tiếng với sản phẩm nước mắm chắt nguyên chất, có độ đạm cao nhưng rất “kén” khách do mùi khá nồng, vị mặn và thường đóng gói thủ công. Những năm gần đây, nhiều hộ dân, cơ sở sản xuất tại làng nghề đã có sự thay đổi tích cực theo xu hướng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Người làm nghề đã khắc phục mùi của nước mắm truyền thống bằng cách thay những bể làm mắm bằng xi măng thành những chum, vại sành để ủ cá; lắng lọc, phơi nắng nhiều lần; ứng dụng hệ thống pin mặt trời để tạo nhiệt lượng làm ấm các bể mắm và vận hành hệ thống khuấy đảo nước mắm tự động; ứng dụng công nghệ vi sinh đa enzyme kết hợp với nhiệt độ, rút ngắn quá trình thủy phân protein của cá; sử dụng hệ thống lọc nước theo công nghệ thẩm thấu ngược lọc những phần thịt cá nhỏ li ti, cặn và vi khuẩn để cho ra thành phẩm trong, bắt mắt hơn nước mắm truyền thống… Việc đóng gói thành phẩm cũng có những thay đổi đáng kể, như thay vì sử dụng chai nhựa đã chuyển dần sang chai thủy tinh có dung tích phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng (làm quà, sử dụng hàng ngày), có túi giấy thiết kế bắt mắt; quy trình đóng chai, dán nhãn cũng được đầu tư bằng dây chuyền tự động theo đúng quy chuẩn…. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ không ngừng tăng lên.
Toàn tỉnh hiện có 37 nghề, hơn 110 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận đạt các tiêu chí theo quy định. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các nghề, làng nghề là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, đóng góp cho chương trình XDNTM và nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.
Sự phát triển của làng nghề còn tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được lưu giữ. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới. Trong đó, tập trung phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo phát triển sản phẩm, hình thành các cơ sở sản xuất mới tại địa phương. Đồng thời, chú trọng chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Các cơ sở quy mô nhỏ thì giới thiệu, quảng cáo, rao bán sản phẩm trên các kênh miễn phí như: Facebook, Zalo, Lazada. Những doanh nghiệp, cơ sở quy mô lớn đã sẵn sàng bỏ chi phí để quảng cáo sản phẩm trên các kênh bán hàng trực tuyến Facebook, Zalo, Youtube… để thu hút khách hàng. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm đã được tổ chức tạo cơ hội cho các làng nghề quảng bá giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm mở rộng thị trường…
Những sản phẩm nổi tiếng của các làng nghề như: Chiếu cói Nga Sơn; đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa); nước mắm Khúc Phụ (Hoằng Hóa); nước mắm Ba Làng (thị xã Nghi Sơn)… đã vượt ra khỏi “lũy tre làng”, vươn tới các thị trường lớn trong nước và quốc tế, đem lại những giá trị kinh tế cao cho sản phẩm; đời sống của người dân làng nghề vì thế ngày càng khấm khá hơn.
Bài và ảnh: Minh Hà
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dua-san-pham-lang-nghe-vuon-xa-219652.htm