Hạn chế sản xuất ồ ạt kiểu tự phát và sản xuất không theo định hướng để tránh tình trạng được mùa mất giá nông sản là chuyện không hề dễ với nông dân Việt trong nhiều năm qua. Thanh Hóa đang dần xóa bỏ được tình trạng này nhờ tuyên truyền thay đổi tư duy cũng như các chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản…
Xe tải đến tận cánh đồng thu mua khoai tây cho nông dân xã Nga Trường (Nga Sơn) nhờ kết quả liên kết sản xuất. Ảnh: P.V
Hết thời ế ẩm nông sản
Còn nhớ thời điểm cách đây khoảng 3 – 4 năm về trước, nhiều tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục triển khai các chương trình “giải cứu” dưa vàng, dứa gai, mía tím và nhiều nông sản khác cho nông dân trong tỉnh. Ví dụ về những vùng su hào, bắp cải hay rau màu vụ đông đến kỳ nhưng nông dân để thối rữa không thu hoạch hoặc phải nhổ bỏ thì khó kể hết. Việc sản xuất ồ ạt, thiếu định hướng cũng như quy trình sản xuất không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ế ẩm nông sản.
Tích tụ đất đai để sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết sản xuất để tìm thị trường tiêu thụ bền vững cho nông sản là những giải pháp căn cơ mà tỉnh Thanh Hóa đã và đang từng bước thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 13 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Điều này được Thanh Hóa xác định là “nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM. Quá trình thực hiện phải lấy doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân làm nhân tố trung tâm”.
Đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung được 42.000 ha đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Các địa phương phát triển được 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng khoảng 5.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong canh tác rau các loại, mía, cây ăn quả. Từ đó, góp phần hình thành nên các vùng trồng trọt tập trung quy mô lớn, đơn cử như vùng lúa thâm canh 150.000 ha, vùng ngô thâm canh 20.000 ha, vùng mía nguyên liệu 14.300 ha, vùng sắn nguyên liệu 13.500 ha, vùng cây ăn quả tập trung 8.000 ha, vùng sản xuất rau an toàn 13.000 ha…
Để thực hiện tốt chính sách hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP, Thanh Hóa cũng ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích riêng. Gần nhất là năm 2022, diện tích các loại cây trồng nông nghiệp được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đạt hơn 80.000 ha, chiếm hơn 20% tổng diện tích đất nông nghiệp. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt toàn tỉnh đã đạt trung bình 115 triệu đồng/ha/năm.
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 98 với nhiều cách làm đột phá, Thanh Hóa đã phát triển được gần 1.500 chuỗi liên kết, trong đó có trên 1.000 chuỗi có nhiều khâu như: sản xuất – thu mua – sơ chế – chế biến – tiêu thụ nông sản. Tổng số tác nhân tham gia chuỗi là 300.000 lượt hộ nông dân, 750 HTX, 315 lượt doanh nghiệp.
Khi các nghị quyết và chính sách đi vào thực tiễn, ngày càng có nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả nở rộ rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn đến những vùng ven đô. Xã Xuân Du thuộc vùng bán sơn địa của huyện miền núi Như Thanh, nhiều đời qua, các cây trồng nông nghiệp chưa thể tạo đột phá về giá trị giúp nông dân làm giàu. Mạnh dạn xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún và lạc hậu, từ năm 2000, thanh niên Hoàng Văn Tuấn ở thôn 14 đã đi tham quan nhiều tỉnh phía Nam, về tự dồn đổi đất ruộng và đấu thầu thêm khu đất khô cằn.
Đến tháng 9-2021, chàng thanh niên sinh năm 1986 đã hoàn thiện ý tưởng xây dựng mô hình trồng nho theo hướng công nghệ cao. Khu đất rộng 2 ha ven hồ Cây Sy khá cằn cỗi, được anh cải tạo thành Nông trại TS Farm, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và áp dụng các biện pháp khoa học vào canh tác nho, rau má và dưa.
“Nho sữa Hàn Quốc là cây trồng du nhập, chưa từng được phát triển ở địa phương nên khi tôi quyết định xây dựng mô hình, nhiều người ái ngại và khuyên nhủ phải thận trọng. Tôi đã mạnh dạn vay mượn thêm để mời các chuyên gia Ấn Độ về kiểm tra chất đất cũng như khí hậu thổ nhưỡng, họ khẳng định trồng được nho nếu chủ động được nước tưới và bổ sung một số chất vi lượng cho đất. Theo đuổi phương thức xuất sạch theo hướng hữu cơ, ngay vụ đầu, tôi đã ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một doanh nghiệp tại Hà Nội nên 100% nho khi thu hoạch, đều được đối tác đến tận mô hình để thu mua, đưa vào hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm để phân phối cho thị trường thủ đô” – anh Hoàng Văn Tuấn, chia sẻ.
Do tuân thủ đúng cam kết trong canh tác, nho trồng tại đây đã được phía đối tác ký cam kết bao tiêu trong 20 năm. Với cách làm riêng của mình, mỗi năm, anh Hoàng Văn Tuấn có doanh thu hơn 1 tỷ đồng từ trồng nho, chưa tính dưa và rau má. Đáng nói, các sản phẩm đều được ký hợp đồng bao tiêu với các đơn vị đối tác theo hình thức liên kết nên đầu ra luôn ổn định. Không những góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại cho bà con địa phương, thời gian gần đây, nhiều nông dân các nơi đã đến tham quan, học tập để triển khai nhiều mô hình tương tự tại các huyện Nga Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống…
Từ cây trồng phù hợp đến bản đồ nông hóa
Không chỉ những mô hình đơn lẻ, mà nhiều vùng trồng trọt rộng lớn của Thanh Hóa cũng được sản xuất theo hình thức liên kết, có đối tác đến thu mua nông sản ngay tại ruộng. Đơn cử như Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt (Từ Liêm – Hà Nội) đã mở chi nhánh tại huyện Hoằng Hóa để liên kết với các HTX và nông dân nhiều huyện đồng bằng trong tỉnh trồng và tiêu thụ khoai tây.
Cánh đồng liên kết sản xuất lúa vụ xuân 2023 giữa nông dân xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) với Tập đoàn ThaiBinh Seed (tỉnh Thái Bình).
Mỗi năm 2 vụ, nông dân các huyện ven biển xứ Thanh lại tất bật cho sản xuất khoai tây để nhập cho phía công ty. Theo chương trình liên kết, công ty cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và có chuyên gia phối hợp hướng dẫn quy trình canh tác trong suốt quá trình trồng và chăm sóc. Các HTX tập hợp và đại diện cho nông dân để ký hợp đồng, đồng hành với nông dân trong việc tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất. Những năm gần đây, năng suất khoai tây liên kết đều đạt trên 30 tấn củ/ha, riêng tại huyện Hoằng Hóa có nhiều diện tích lên tới 40 tấn/ha. Việc thu hoạch được thông báo trước để nông dân đồng loạt triển khai trong một số ngày, phía công ty đưa xe tải đến tận bờ các khu ruộng để thu mua.
Theo bà Đỗ Quỳnh Hương, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt: “Công ty chúng tôi chuyên về khoai tây phục vụ chế biến và xuất khẩu, đã liên kết sản xuất bền vững với nông dân Thanh Hóa 8 năm. Vụ đông 2023 này, công ty đang mở rộng sản xuất lên khoảng 250 ha ở huyện Hoằng Hóa và hình thành vùng khoai tây giống 40 đến 50 ha ở huyện Nga Sơn, chưa kể nhiều diện tích khoai thương phẩm ở các huyện khác. Công ty lựa chọn Thanh Hóa để hợp tác vì đánh giá cao sự thích ứng của nông dân cũng như sự đồng hành của chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh”.
Hàng trăm doanh nghiệp, HTX trong tỉnh cũng đang đồng hành với nông dân các vùng quê. Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Công ty CP Thương mại XNK thực phẩm Sao Mai (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi đang xuất khẩu các mặt hàng nông sản đến thị trường 13 quốc gia trên thế giới. Công ty đang nỗ lực dịch chuyển thêm nhiều nông sản của tỉnh Thanh Hóa tham gia xuất khẩu, nhất là sản phẩm ớt tươi cấp đông xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Chúng tôi đang làm việc với Viện Nông nghiệp Thanh Hóa để tiếp tục liên kết sản xuất 50 ha dứa MD2 phục vụ xuất khẩu. Một đối tác từ Hàn Quốc cũng vừa mời chào công ty xuất khẩu 250.000 tấn khoai tây mỗi năm, chúng tôi đang đấu mối với các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ, liên kết với người dân sản xuất trong những vụ tới”.
Gần đây, nhiều nông dân còn năng động xây dựng các mô hình nông nghiệp gắn hoạt động đón khách tham quan, kết hợp tiêu thụ nông sản. Trang trại Queen Farm ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương), rồi nhiều mô hình du lịch nông nghiệp ở các huyện Yên Định, Triệu Sơn, Bá Thước, Nông Cống… đang tạo được sự lan tỏa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cũng đã đi trước một bước so với nhiều tỉnh khác khi xây dựng thành công bản đồ nông hóa cho 9 huyện với tổng diện tích được xác lập trên 100.000 ha đất nông nghiệp, phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp bền vững. Trang web kết nối cung cầu nông sản an toàn Thanh Hóa tại địa chỉ http://Nongsanantoanthanhhoa.vn cũng là một sáng tạo của các sở, ngành trong phát triển thương mại điện tử để nông sản xứ Thanh ngày càng vươn xa.
Tại huyện Nga Sơn, mỗi năm 3 đến 4 đợt thu hoạch, vùng chuyên canh dưa hấu khoảng 100 ha tại các xã Nga Trung, Nga Yên, Nga Trường, Nga Hải… lại trở nên nhộn nhịp. Trên từng khu đồng, hoạt động thu hoạch, cân dưa, vận chuyển lên thùng xe tải vô cùng sôi động. Với hơn 3.000 tấn dưa mỗi vụ, nhưng khoảng 5 năm qua, nông dân trên quê hương dưa hấu Mai An Tiêm chưa bao giờ gặp tình trạng ế hàng. Đó là kết quả từ chương trình liên kết sản xuất – tiêu thụ của huyện với các doanh nghiệp đến từ tỉnh Hải Dương theo quy trình nông nghiệp an toàn. Đầu mỗi vụ, qua các HTX địa phương, nông dân được cung cấp hạt giống, có cán bộ kỹ thuật của công ty về hướng dẫn quy trình canh tác. Người nông dân cũng được tuyên truyền để thay đổi tư duy sản xuất an toàn, đúng quy trình và thời điểm bón phân, thu hái quả. |
Nhóm Phóng viên