Trong các loại hình du lịch, du lịch xanh đang là xu hướng nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách. Bởi đây là loại hình du lịch gắn với hoạt động bảo tồn, phát triển tài nguyên cũng như hệ sinh thái tự nhiên một cách bền vững. Nắm bắt được nhu cầu đó, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều “điểm đến xanh” mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Du khách trải nghiệm leo núi ở Khu Du lịch Pù Luông (Bá Thước).
Với không gian xanh yên bình, thơ mộng, cùng cảnh sắc thiên nhiên trong lành, những năm gần đây Làng du lịch Yên Trung (Yên Định) đang là địa điểm thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm. Khi đến đây, du khách sẽ được khám phá một không gian mang đậm bản sắc làng quê Việt, với những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, được lưu giữ và bảo tồn cho đến ngày nay. Bên trong các ngôi nhà còn tái hiện lại các vật dụng như bếp củi, chạn bát, cối đá… Tiếp đến, du khách sẽ được khám phá khu nông trại sạch, trồng các loại rau, củ, quả như dưa vàng, dưa chuột… và còn có thể trải nghiệm đời sống của người nông dân thông qua các hoạt động như: dùng nơm để úp cá, câu cá trên ghe thuyền, hay tham gia chăn dê cùng bà con trong xã và tìm hiểu nếp sống, nếp văn hóa, phong tục của người dân ở đây. Tối đến, bên ngọn lửa bập bùng, du khách thỏa sức hòa mình vào các hoạt động hấp dẫn như: đốt lửa trại, xem phim, múa hát…
Là du khách đến Làng du lịch Yên Trung, chị Mai Hoa (TP Thanh Hóa) cho hay: “Thay vì tìm đến các khu nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi, các đô thị sôi động, tôi và bạn bè luôn muốn tìm kiếm cho mình một không gian yên bình cho những kỳ nghỉ cuối tuần. Bởi vậy, chúng tôi thường tìm đến các địa điểm du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên như: Làng du lịch Yên Trung, nông trại Ánh Dương (Yên Định), Khu Du lịch Pù Luông (Bá Thước), Khu Du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc (TP Thanh Hóa)… Khi đến những nơi này, chúng tôi đều có chung cảm nhận như được trở về ký ức tuổi thơ với những cung bậc cảm xúc khác nhau, được hít thở bầu không khí trong lành và thưởng thức các món ăn đặc sản quê hương. Quan trọng hơn, du lịch xanh còn giúp nâng cao trách nhiệm của chúng tôi về bảo vệ môi trường và còn giúp người dân bản địa gìn giữ được phong tục tập quán của mình”.
Trong xu thế hiện nay, khi sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày càng tăng thì việc phát triển những sản phẩm du lịch xanh có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn của điểm đến. Ngoài ra, cũng chính vì xu hướng du lịch xanh đang ngày càng lên ngôi thu hút đông du khách tìm đến, nên việc đầu tư cho loại hình du lịch này còn góp phần cải thiện yếu tố mùa vụ trong hoạt động du lịch… Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, nhờ phát triển du lịch xanh nên Khu Du lịch Pù Luông (Bá Thước) luôn là cái tên “hot” trên bản đồ du lịch Việt Nam và cả thế giới trong suốt bốn mùa. Du khách đến đây, dù ở bất cứ mùa nào trong năm, đều có thể được trải nghiệm những điều thú vị, đó là ngắm những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, với bầu không khí trong lành; được tham gia nhiều hoạt động đi bộ, leo núi, đi xe đạp… Khi về đêm, trong không gian tĩnh mịch, giữa bốn bề cỏ cây hoa lá, người dân- du khách lại cùng nhau quây quần đầm ấm bên bếp lửa hồng thơm phức mùi khoai lùi, bắp nướng; quanh ché rượu cần, nghe tiếng cồng chiêng rộn rã, hòa cùng tiếng hát, tiếng reo hò… làm cho không khí thêm vui tươi, nhộn nhịp. Chính sự hội tụ của những nét văn hóa đặc trưng, môi trường trong lành, cảnh sắc độc đáo, người dân hiền hậu, chân chất, đã tạo nên một Pù Luông đắm say lòng người.
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng “lên ngôi”, được nhiều du khách trong và ngoài nước săn đón. Cũng bởi, loại hình du lịch này mang đến cho con người cảm giác mới lạ, thân thiện, được trải nghiệm văn hóa bản địa, tham gia các hoạt động tìm hiểu đa dạng sinh học, khám phá thiên nhiên… Trên thực tế, đã có nhiều khu, điểm du lịch thành công trong việc thu hút du khách đến tham quan từ việc phát triển du lịch xanh, như: Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân), thác Voi, thác Mây (Thạch Thành), Nông trại Golden Cow, xã Lương Sơn (Thường Xuân), Nông trại dâu tây, xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy)… Đi kèm với phát triển du lịch xanh, việc đầu tư cho các điểm đến từ bãi đỗ xe, hệ thống điện chiếu sáng, nhà vệ sinh công cộng, bảng, biển chỉ dẫn…, nhất là việc tạo được “vòng tròn tuần hoàn” trong xử lý rác, nước thải, góp phần bảo vệ môi trường đã được nhiều đơn vị kinh doanh du lịch, địa phương quan tâm thực hiện. Cũng nhờ đó, đã góp phần làm nên kết quả phát triển của du lịch tỉnh Thanh Hóa như hiện nay.
Du lịch xanh là loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ các yếu tố tự nhiên, văn hóa của người dân bản địa. Bởi vậy, loại hình du lịch này đang ngày càng có sức hút với du khách và cũng được xác định là dòng sản phẩm du lịch chủ lực của Thanh Hóa trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để sản phẩm du lịch xanh thực sự hấp dẫn, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm thì ngoài điều kiện “cần” là yếu tố tự nhiên, văn hóa thì điều kiện “đủ” phải là nâng cao chất lượng dịch vụ, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện, giữ gìn vệ sinh môi trường trong hoạt động du lịch… Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh việc kết nối các điểm đến du lịch xanh gắn liền với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, nông nghiệp, du lịch cộng đồng…
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt