Tiềm năng du lịch của Bá Thước rất phong phú và đa dạng, ngày càng được khai thác, phát huy hiệu quả. Đặc biệt, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã mang đến “luồng gió mới”, “sức sống mới” trên vùng đất này. Bá Thước nay đã là điểm đến hấp dẫn không chỉ du khách trong nước mà cả du khách quốc tế, từng bước chạm tay vào giấc mơ “du lịch bốn mùa”.
Du khách nước ngoài hào hứng chụp ảnh lưu niệm cùng đội văn nghệ trong trang phục truyền thống tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước).
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có, ngay từ khi thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nhiều giải pháp bảo vệ rừng gắn với phát triển đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân được đề ra, trong đó có việc quy hoạch, phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng. Chập chững từ những bước đi đầu tiên với nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành đi cùng những quan điểm, định hướng mở đường vươn tới tương lai trong bộn bề công việc, giờ đây, Bá Thước đã “đi trước một bước”, trở thành “cánh chim đầu đàn” trong phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng của tỉnh Thanh Hóa.
Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây là một trong số ít những khu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh có khả năng thu “tiền đô”, thường “kín phòng” vào các dịp lễ, tết… Ngay cả thời điểm nhiều khu du lịch nổi tiếng của xứ Thanh bước vào “kỳ nghỉ đông” thì Pù Luông vẫn sôi nổi đón khách.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bá Thước có khoảng hơn 80 cơ sở lưu trú; trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông tập trung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng; nhiều hộ liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài đến đầu tư và nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô. Số lượt khách và doanh thu từ du lịch không ngừng tăng qua các năm. Năm 2022, hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh trở lại sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch Bá Thước đón 82.646 lượt khách, vượt 122% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay (khách quốc tế là 5.447 lượt, khách trong nước là 77.199 lượt). Từ đầu năm 2023 đến nay, du lịch Bá Thước đón 50.054 lượt khách (8.451 lượt khách nước ngoài), lượng khách trung bình khoảng trên 1.500 lượt/ngày đêm; doanh thu ước đạt trên 85 tỷ đồng…
Phát triển nông nghiệp gắn với XDNTM và phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước nhiệm kỳ 2020-2025. Những năm qua, UBND huyện Bá Thước đã xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch huyện Bá Thước; xây dựng Đề án phát triển Du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng kế hoạch về phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo… Ông Lê Văn Sự, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước nêu rõ: Xuyên suốt lộ trình xây dựng và phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, huyện Bá Thước luôn xác định: vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và bản chất của ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa – xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh – quốc phòng. Từ đó, huyện chủ động xây dựng, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thực hiện các nội dung, chương trình nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nhân rộng các mô hình, tổ chức, cá nhân tiêu biểu về phát triển du lịch ở địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch trong xã hội; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bá Thước…
Cùng với đó, huyện làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch về phát triển du lịch; đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, đưa quy mô và chất lượng trong hoạt động du lịch không ngừng được tăng lên. Hàng trăm tỷ đồng được huy động, tập trung đầu tư cho phát triển du lịch. Đặc biệt, Pù Luông có những cơ sở lưu trú cao cấp, “gắn sao” như: Puluong Bocbandi Retreat, Jungle Loge Puluong, Puluong Retreat, Eco Garden… Mô hình homestay do một số hộ gia đình bản địa đầu tư cũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, một số homestay thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, điển hình như: Hộ gia đình ông Hà Văn Sĩ, ông Hà Văn Dũng (bản Hiêu, xã Cổ Lũng), ông Hà Văn Giáp, Hà Văn Lịch, Hà Văn Thược (bản Đôn, xã Thành Lâm), ông Lò Văn Nam (bản Kho Mường, xã Thành Sơn)…
Các sản phẩm du lịch của huyện không ngừng được làm mới, đa dạng, phong phú hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Điều quan trọng, hấp dẫn nhất của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng Pù Luông là gia tăng tính trải nghiệm, bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Du khách được thỏa sức trải nghiệm thực tế đời sống cộng đồng tại địa phương như: Tìm hiểu phong tục, tập quán, leo núi đào măng, hái rau rừng, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực với các món ăn đặc sản, dân gian mà không kém phần hấp dẫn (vịt Cổ Lũng, cá sông lòng hồ Thủy điện Bá Thước 2, cá Dốc, lợn Mán, măng đắng, rau rừng…; tham quan, trải nghiệm mua sắm sản phẩm dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, tham gia chợ phiên phố Đoàn; tìm hiểu nghề nấu rượu siêu men lá; sản phẩm dược liệu khu Son – Bá – Mười…
Bên cạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch, việc chú trọng, tập trung công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, từ việc nâng cao nhận thức và trình độ quản lý du lịch cộng đồng cho cán bộ quản lý của địa phương; đi khảo sát, học hỏi mô hình du lịch tại các địa phương trong và ngoài tỉnh đến tập huấn cho người dân đã cho thấy nỗ lực, quyết tâm, hướng đi đúng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của du lịch Bá Thước…
Lao động phục vụ du lịch cộng đồng chưa được hình thành rõ nét, chủ yếu là lao động gia đình. Vì vậy, huyện Bá Thước làm tốt công tác nâng cao trình độ dân trí, văn hóa cho người dân bản địa tham gia làm du lịch, nhất là nâng cao nhận thức về du lịch, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh trong du lịch… Tổng số lao động địa phương có thể tính là phục vụ du lịch trên địa bàn toàn huyện trên 500 người, trong đó có trên 80% số lao động đã được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Ông Lê Văn Sự, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin Bá Thước chia sẻ thêm: Để tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn, huyện giao cho các xã thành lập các ban quản lý phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng quy chế hoạt động của các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia làm du lịch nhưng phải tuân thủ theo quy chế. Thành lập các đội văn nghệ, đội xe chở khách phục vụ khách du lịch theo quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ các trang thiết bị như bộ tăng âm loa, đàn, sáo, nhạc cụ, trang phục cho đội văn nghệ; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan mở nhiều lớp tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng…
Thiết thực, ý nghĩa nhất trong cách làm du lịch sinh thái, du lịch ở Pù Luông là luôn lấy người dân là trung tâm của sự phát triển, theo đúng tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì làm”. Bởi vậy mà, người dân địa phương tại các khu, điểm du lịch không chỉ được tạo điều kiện làm thêm các nghề dịch vụ cải thiện thu nhập mà còn được hướng dẫn cách thức làm dịch vụ du lịch sao cho an toàn, hiệu quả. Ví như cách Công an xã Thành Sơn đã tham mưu cho ban chỉ đạo an ninh trật tự (ANTT) xã xây dựng và ra mắt mô hình “Xe ôm du lịch tự quản về ANTT”. Việc thành lập mô hình nhằm xây dựng loại hình dịch vụ “xe ôm” chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường du lịch, xây dựng hình ảnh văn minh hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của người dân bản địa, đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại địa phương.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch được chú trọng. Huyện đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch như: đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên mạng xã hội, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch đều có trang fanpage riêng, có ứng dụng đặt phòng trên trang Booking.com và Agoda.com và các trang du lịch có uy tín trong Hiệp hội Du lịch Việt Nam; tham gia các hội thảo trực tuyến; các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và quản lý, điều hành hoạt động ở cơ sở như: các phần mền quản lý nhân sự, kế toán, khai báo lưu trú,… giúp cho hoạt động của các cơ sở thuận tiện và hiệu quả.
Bài và ảnh: Hương Thảo