Mỗi độ xuân về, du khách lại cùng nhau tìm đến các di tích, danh thắng, điểm du lịch để hiểu thêm về các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Từ trung tâm huyện, đền thờ Cầm Bá Thước là lời mời chào đầu tiên đầy hấp dẫn khiến du khách tiếp tục đi về đất Trịnh Vạn xưa, nay là xã Vạn Xuân (Thường Xuân), nơi có hang động, có đền, đình, có những bản làng của người Thái, người Mường.
Khu vực Hón Can sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách khi đến với Vạn Xuân.
Đặt mục tiêu lấy du lịch cộng đồng làm điểm tựa trong XDNTM nâng cao, ông Lương Công Thắm, Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân rất hào hứng khi nói về tiềm năng du lịch của địa phương mình. Sau khi huyện Thường Xuân có đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, xã Vạn Xuân đã về đích NTM vào năm 2020. Đây là tiền đề để xã bắt tay xây dựng du lịch cộng đồng trong thời gian tới.
Nhắc đến Vạn Xuân, không thể không nhắc tới lễ hội Nàng Han vừa mới đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Không gian chính của lễ hội là ở hang Mường. Để đến được hang Mường (thôn Cang Khèn) ngắm nhìn khối nhũ thạch hiện ra với hình thiếu nữ đang ngồi nghỉ sức, hình voi, ngựa chiến hóa đá ngồi chầu, trước đây người ta phải lội qua sông Nhồng, rồi trèo vào hang. Nay thì người dân thôn Lùm Nưa và Cang Khèn đã hiến đất để mở rộng đoạn đường dẫn vào hang. Không quá kỳ vĩ nhưng bước chân đến hang Mường, người Thái cảm giác như được tiếp năng lượng, thêm niềm tin. Câu chuyện nàng Han năm xưa đẹp người, đẹp nết lại còn dũng cảm quên mình xả thân vì sự bình yên của bản làng đến nay vẫn luôn nhắc nhớ Nhân dân về lòng biết ơn. Đến lễ hội ngoài yếu tố tâm linh, bà con Nhân dân đất Trịnh Vạn còn được thỏa sức vui vẻ múa hát quanh cây hoa, chơi ném còn, tò lẹ, đẩy gậy, khua luống, nhảy sạp và đánh cồng chiêng.
Cũng ngay ở thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, đang tiến hành khôi phục lễ hội đền Chín Gian nơi tổ chức dâng trâu tế trời trên đỉnh Pú Pen. Theo ghi chép của TS Hoàng Minh Tường: Trước khi tế trâu, theo sự chỉ dẫn của mo mường Chiềng Vạn, người trong mường đưa trâu ra sông tắm rửa thật sạch sẽ, cho ăn những loại cỏ mà trâu ưa thích, sau đó ông mo làm lễ tỉnh sinh, thắp hương, vẩy rượu cúng vào đầu, cổ, mình trâu và khấn: “Hôm nay, ngày lành tháng tốt, bản Lùm Nưa, mường Chiềng Vạn làm lễ tế Trời. (…) Trâu quý, trâu yêu ơi, dân bản hóa kiếp để trâu được về bên kia núi, về với ông bà tổ tiên, lên với mường trời, trâu thiêng, trâu quý hãy phù hộ cho bản mường khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, trâu đi xa đừng buồn nhé, trâu ơi!”. Sau khi làm lễ tỉnh sinh, khấn cầu có đất trời chứng giám, dân bản dắt trâu ra bến Tà Pha – bến nước nhà Trời để chọc tiết, mổ trâu và làm đồ tế lễ. Tế lễ xong, bản gần, mường xa cùng nhau bái tạ vua Trời và các vị thần linh, thu dọn lễ vật và trở về ngôi nhà sàn dài rộng, ở đấy mọi người cùng nhau thụ lộc, uống rượu cần… trẻ già, trai gái cùng chuyện trò, cười nói trong niềm vui cộng cảm.
Lễ tế trâu trắng thờ Trời trên đồi Pú Pen hiện nay chủ yếu được tổ chức ở quy mô dòng họ Cầm bản Lùm Nưa. Thay vì tổ chức cả tháng, dòng họ chỉ tổ chức trong ngày mùng 3 tháng Giêng, để kịp tham gia lễ hội Nàng Han. “Hiện tại, xã Vạn Xuân, đang trong quá trình xây dựng đền Chín Gian với mong muốn sẽ phục dựng và phát triển lễ dâng trâu tế trời trở thành ngày hội của đồng bào Thái trong tỉnh nói chung và trên đất Trịnh Vạn nói riêng”, ông Lương Công Thắm, Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân, cho biết.
Nhắc đến truyền thống lịch sử đất Trịnh Vạn, không thể không nhắc tới dòng họ Cầm với những cái tên như Cầm Bá Hiển, Cầm Bá Thước… Theo các sách Quốc triều chánh biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Thanh Hóa, tập hạ) có chép: Năm 1837, có ông Cầm Bá Hiển (ông tổ 3 đời của ông Cầm Bá Thước), theo quan binh đi dẹp loạn, sau đó bị bắt, dụ dỗ, mua chuộc. Không tuân theo, ông bị giết. Vì thế vua Minh Mạng khen ông là người trung, truy tặng chức Chánh đội tòng ngũ phẩm, cho lập nhà thờ nơi ấp và cho biển ngạch khắc 2 chữ “Trung tiết” để nêu khen. Sách Đại Nam thực lục cho biết thêm: Đình thần làm tập tâu lên vua Minh Mạng 469 người nên được đưa vào thờ tại đền Trung Nghĩa, được vua y cho. Ông Cầm Bá Hiển cùng với 152 người khác được thờ tại bàn thờ ban bên Tây, thăng từ đội trưởng lên cai đội. Trước đây tại đền thờ ông ở thôn Lùm Nưa có tấm bia đá do con cháu lập vào năm 1911 biên chép lại nội dung trên.
Cuối thế kỷ XIX, dòng họ Cầm còn có ông Cầm Bá Thước, một người học rộng tài cao, có tấm lòng yêu nước, thương dân. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông đã dựng cờ khởi nghĩa, xây dựng Trịnh Vạn thành căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp trong suốt 11 năm từ 1884 đến 1895. Sau nhiều trận đánh, do tương quan lực lượng không cân bằng, nghĩa quân bị hao tổn nặng nề, lương thực, vũ khí cạn kiệt, Cầm Bá Thước quyết định giải tán nghĩa quân và rời khỏi căn cứ để cho địch bắt, tránh thiệt hại quân sĩ và Nhân dân trong vùng. Ông bị xử tử ở tuổi 36. Thương tiếc trước sự hy sinh của ông, Nhân dân đã lập đền thờ ông ở Lùm Nưa (Vạn Xuân), Cộc Chẽ (Xuân Lẹ), đưa ông vào thờ tại đền Cửa Đạt.
Tiếc là đền thờ 2 ông ở thôn Lùm Nưa đã không còn giữ được. Hiện xã đang tiến hành thi công xây dựng đền thờ Cầm Bá Hiển để đáp ứng nhu cầu tâm linh, đồng thời là nguồn tư liệu giúp mọi người hiểu biết về đất và người Vạn Xuân.
Để phát triển du lịch cộng đồng, xã Vạn Xuân đã có đề án xây dựng thôn Hang Cáu làm thí điểm. So với 9 thôn khác, Hang Cáu ở vị trí cuối của xã nhưng lại có nhiều lợi thế về mặt khí hậu. Đến đây, du khách có thể ghé thăm thác Thiên Thủy (hay còn gọi là thác Mù) – một quần thể gồm bốn thác nước nằm gối lên nhau dưới dãy Pù Ta Leo hùng vĩ. Với những người thích khám phá thì thác Thiên Thủy là hành trình hấp dẫn. Để đến được thác, du khách phải vượt qua hơn 500m đường rừng, vượt dốc, đi qua những gốc cổ thụ hàng trăm năm tuổi… Đó là một quần thể thác được sắp xếp theo hình cung tròn, trải dài gần 1km. Đến đây, du khách không những được ngắm dòng thác đẹp mà còn trải nghiệm trong không gian thiên nhiên hoang dã của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Tất cả vẻ đẹp cộng hưởng ấy là tiềm năng để xã Vạn Xuân khai thác du lịch. Đặc biệt, từ khi có con đường bê tông dẫn vào từ Tỉnh lộ 519, du khách đến thăm thác Thiên Thủy ngày càng nhiều hơn, vào mùa hè, nơi đây đón hàng trăm lượt du khách mỗi ngày.
Cũng trên địa bàn thôn Hang Cáu, gần với thác Thiên Thủy, khu vực Hón Can sở hữu một phần của hồ Cửa Đạt mênh mông, xanh biếc. Dẫn chúng tôi đi xung quanh khu vực Hón Can, anh Lê Hữu Toản, trưởng thôn Hang Cáu giới thiệu: Rồi nay mai, trên khu vực lòng hồ này, du khách có thể đi thuyền ngắm nhìn quang cảnh xung quanh, sau đó dạo bước vào nhà dân, ngồi trên nhà sàn uống nước và trò chuyện; thưởng thức điệu khặp, điệu xường, nghiêng nghiêng bên ché rượu cần và ăn những món truyền thống như cơm lam, cá sông, lợn mán, gà đồi…
Nói về lợi thế của thôn Hang Cáu, bí thư chi bộ thôn, ông Lê Văn Hồng cho biết: Thôn Hang Cáu hiện có 176 hộ dân, trong đó có 102 hộ là người Kinh. Với lợi thế nằm ngay trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, bà con Nhân dân thôn đang nỗ lực phát triển kinh tế, trong đó khai thác du lịch cộng đồng là hướng đi bền vững. Thôn Hang Cáu đang phấn đấu đạt thôn NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Ông Lương Công Thắm, Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân, cho biết: Xã có 1.251 hộ, trong đó dân tộc Thái chiếm 52,8%, dân tộc Kinh chiếm 45,2%, còn lại là dân tộc khác. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự nỗ lực cố gắng của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, xã Vạn Xuân đang tiếp tục lộ trình xây dựng xã NTM nâng cao, giữ vững vị thế xã đi đầu trong cụm “5 Xuân” (gồm 5 xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Xuân Thắng, Xuân Cao, Vạn Xuân) của huyện Thường Xuân.
Lấy du lịch cộng đồng làm điểm tựa XDNTM nâng cao chính là cách mà xã Vạn Xuân đang làm để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bản mường Chiềng Ván nói chung, đất Trịnh Vạn nói riêng; đồng thời phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống Nhân dân ấm no. Hy vọng rằng, với những tiềm năng hiện có, không lâu nữa Vạn Xuân sẽ là một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Thanh Hóa.
Bài và ảnh: CHI ANH