Cơ chế, chính sách đặc thù thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với sự phát triển của Thanh Hóa, được kỳ vọng tạo nên dư địa, “đòn bẩy” để Thanh Hóa biến tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, điểm nghẽn cần sớm được tháo gỡ…
Cảng biển Nghi Sơn là một trong những cảng biển có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Ảnh: Hương Thảo
“Đòn bẩy” từ cơ chế, chính sách đặc thù
Nương theo tiến trình lịch sử dân tộc, trong cái nhìn địa – chính trị, địa – văn hóa, Thanh Hóa luôn là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh của Tổ quốc, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Tây Bắc với Bắc Trung bộ. Thanh Hóa được ví như “sân khấu của những bản anh hùng ca”, nơi chứng kiến “buổi bình minh” loài người, lắng đọng phù sa văn hóa… Bao thế hệ người dân cần cù, chịu thương chịu khó, nghèo mà quật khởi, tinh thần cách mạng sục sôi… Mảnh đất ấy vinh dự 4 lần được đón Bác về thăm, gửi gắm ở Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân nơi đây bao trăn trở, tin yêu và hy vọng. Đó là “vốn liếng”, là “lợi thế” cạnh tranh và tăng sức thuyết phục để Bộ Chính trị ban hành NQ số 58, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa (sau đây viết tắt là NQ số 37).
Nếu NQ số 58 là đường lối, chủ trương thì NQ số 37 là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa. Đây chính là “sự điều khiển, sắp đặt” tiếp theo mà Trung ương đang thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Các chính sách đặc thù về quản lý tài chính – ngân sách Nhà nước (chính sách về mức dư nợ vay; chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; chính sách về thu từ xử lý nhà, đất; chính sách về phí, lệ phí; chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên) và chính sách phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai; quy hoạch; lâm nghiệp có ý nghĩa quan trọng, tạo hành lang pháp lý, sự đột phá, khơi thông nguồn lực, tạo thêm động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giúp Thanh Hóa vững bước, tự tin thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội mà NQ số 58 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù có thời hạn trong 5 năm nên tỉnh Thanh Hóa đã và đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ nhằm khai thác tối đa, hiệu quả dư địa. Từ sự chủ động, tích cực ấy, đến nay, sau hơn 1 năm, có 4/8 nội dung chính sách đã được triển khai, thực hiện.
Chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và được HĐND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án sử dụng hiệu quả trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, 2023 tại NQ số 178/NQ-HĐND ngày 10-12-2021, NQ số 329/NQ-HĐND ngày 11-12-2022.
Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg ngày 6-4-2022 về quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha. Đến nay, HĐND tỉnh đã chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha để thực hiện 13 dự án trên địa bàn tỉnh.
Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh: Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 14/2022/QĐ-TTg ngày 25-5-2022 quy định thí điểm về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Thanh Hóa, HĐND tỉnh Nghệ An tại các nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ để các tổ chức, cá nhân liên quan biết và thực hiện.
Chính sách phân cấp thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2022/QĐ-TTg ngày 27-5-2022 quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc TP Hải Phòng, TP Cần Thơ, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiêp đang lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung làm cơ sở trình phê duyệt theo cơ chế, chính sách đặc thù.
3 chính sách về tài chính, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đang tích cực triển khai để sớm được thực hiện, cụ thể: Chính sách về mức dư nợ vay; Chính sách về phí, lệ phí; Chính sách về thu từ xử lý nhà, đất và 1 chính sách phải báo cáo Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn để có cơ sở triển khai thực hiện (Chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn).
“Bắt mạch” điểm nghẽn
Cơ chế, chính sách đặc thù là “đòn bẩy” để Thanh Hóa biến tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh một cách bền vững, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế…
Việc để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn là chính sách được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực lớn nhưng đến thời điểm hiện tại, việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, phải báo cáo Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn. “Cụ thể, đó là khó khăn, vướng mắc trong phương pháp tính toán, bóc tách, xác nhận số tăng thu qua cảng biển và phương pháp xác định phần loại trừ không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách Trung ương hoàn thuế giá trị gia tăng theo chính sách đặc thù tại NQ số 37” – ông Nguyễn Trọng Luân, Trưởng phòng Quản lý Ngân sách và thống kê tài chính, Sở Tài chính cho biết.
Về chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh, ông Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Nếu triển khai thuận lợi chính sách theo NQ số 37 sẽ tạo điều kiện rất tốt, kịp thời để Thanh Hóa chủ động các vấn đề liên quan đến rừng sản xuất là rừng trồng có quy mô lớn, tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được rút ngắn, từ đó giảm thời gian, thủ tục hành chính, chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp, đảm bảo tiến độ đầu tư, tiết kiệm chi phí triển khai thực hiện các dự án. Dư địa chính sách thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước đối với tỉnh Thanh Hóa trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội trên nguyên tắc nhất quán là việc phát triển kinh tế bền vững gắn liền với xây dựng và bảo vệ môi trường sinh thái; duy trì, phát triển diện tích rừng, thực hiện nghiệm túc việc trồng bù rừng (trồng rừng thay thế) để tiếp tục duy trì và tăng độ che phủ rừng toàn tỉnh trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết liên quan đến 2 quyết định nêu trên. Ông Cao Văn Cường phân tích cụ thể: Việc thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha theo quy định tại Quyết định 10/2022/QĐ-TTg ngày 6-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ và việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ dưới 50ha (thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ) sẽ dẫn đến không đồng bộ trong việc thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và rừng, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính (do NQ số 37 của Quốc hội, Quyết định số 14/2022/QĐ-TTg ngày 25-5-2022 của Thủ tướng không ủy quyền và quy định trình tự thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha mà chỉ quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng sản xuất là rừng trồng từ 50ha đến dưới 1.000ha).
Bên cạnh đó, chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa chuyển mục đích sử dụng đất với chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Lâm nghiệp năm 2017…
Hiện nay, hạn mức dư nợ vay vốn tối đa của tỉnh được tăng từ 20% lên 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp (theo quy định tại khoản 1 Điều 3, NQ số 37). Theo quy định tại Luật quản lý nợ công số 20/2017/QH14 và Nghị định số 93/2018/NĐ-CP ngày 30-6-2018 của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương với 3 hình thức vay vốn. Tuy nhiên, cả 3 hình thức vay vốn này đều phải trả nợ gốc, trả lãi với lãi suất tương đối cao và phải chịu những điều kiện ràng buộc khác nhau theo quy định của tổ chức cho vay vốn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh chưa đủ khả năng tự cân đối nên việc thực hiện có hiệu quả chính sách này trên địa bàn tỉnh là khó khăn.
Bên cạnh những “điểm nghẽn” nêu trên, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng: Để khai thác tối đa, phát huy hiệu quả dư địa từ cơ chế, chính sách mang lại, xứng với tiềm năng, lợi thế thì sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được. Tốc độ tăng trưởng đạt thấp so với mục tiêu nghị quyết. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào việc tăng các yếu tố đầu vào như vốn, tài nguyên và số lượng lao động. GRDP bình quân đầu người và năng suất lao động xã hội thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Kết quả thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa như: y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch,…; thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Văn hóa – xã hội phát triển chưa đồng đều, khoảng cách giữa các vùng, miền có xu hướng gia tăng; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững…
Thanh Hóa chưa bao giờ có thế và lực như hôm nay, nhưng đi liền với đó cũng là muôn vàn khó khăn, thử thách. Các cơ chế, chính sách đặc thù mới là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa nên đòi hỏi Thanh Hóa cần tinh tế “bắt mạch” những điểm nghẽn, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, đi sâu vào các giải pháp mang tính đột phá, hướng đến phát triển bền vững, phù hợp với xu thế thời đại.
Thùy Dương – Hương Thảo