Sáng 1/6, TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri về nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa. Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận cao của Nhân dân, việc lấy ý kiến cử tri tại các địa phương đã diễn ra đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ.
Cử tri phố Nam Cao, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) bỏ phiếu tán thành chủ trương nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa.
Đúng 7 giờ sáng, lễ khai mạc hội nghị lấy ý kiến cử tri về Đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa được tiến hành trang trọng, nghiêm túc, đúng quy định tại khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn). Cùng thời gian này, Tổ dân phố Nam Cao, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) cũng khai mạc hội nghị. Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và nói chuyện thân mật với cử tri.
Cử tri phố Nam Cao, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) viết phiếu thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) có 10 tổ dân phố, trong đó phố Nam Cao được chọn để tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri tập trung tại nhà văn hóa. 9 tổ dân phố còn lại, các thành viên Tổ lấy ý kiến cử tri đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến với tinh thần dân chủ, công khai và khách quan.
“Để việc lấy ý kiến cử tri diễn ra đúng quy định của pháp luật, công tác chuẩn bị được phố Nam Cao thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng, bảo đảm số cử tri được lấy ý kiến đạt tỷ lệ cao nhất”, ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ lấy ý kiến cử tri phố Nam Cao cho biết.
Cử tri Phạm Thị Bình, 88 tuổi đến dự hội nghị lấy ý kiến cử tri tại phố Nam Cao, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa).
Sau lễ khai mạc và thảo luận, hơn 200 cử tri phố Nam Cao đại diện cho 858 cử tri trong toàn phố đã bỏ những lá phiếu đồng thuận, tán thành chủ trương nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và nhập phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn.
Dù đi lại khó khăn nhưng ngay từ đầu giờ sáng, cụ Phạm Thị Bình (88 tuổi) vẫn nhờ các con đưa cụ đến Nhà văn hóa phố Nam Cao để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Cụ Bình chia sẻ: “Đã tham dự nhiều lần bỏ phiếu, nhưng tôi vẫn muốn được tự tay mình bỏ lá phiếu trách nhiệm. Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ mở ra một cơ hội mới cho TP Thanh Hóa bứt phá mạnh mẽ, sớm trở thành 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước như mục tiêu đã đặt ra”.
Thôn Đồng Tiến, xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri về việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập phường Hoằng Đại.
Tại xã Hoằng Đại, xã ngoại thành của TP Thanh Hóa, ngay từ sáng sớm, người dân đã gác lại công việc gia đình, cùng nhau đến nhà văn hóa thôn Đồng Tiến để thực hiện quyền công dân thiêng liêng, gửi gắm nguyện vọng và niềm tin của mình vào mỗi lá phiếu. Hệ thống loa truyền thanh của thôn liên tục thông báo mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập đơn vị hành chính khiến ai nấy đều cảm thấy phấn chấn.
Phấn khởi khi được chuyển từ xã lên phường, ông Nguyễn Tôn Mãi (thôn Đồng Tiến) cho biết: “Tôi rất vui khi tới đây xã Hoằng Đại có danh xưng mới là phường Hoằng Đại. Đối với người dân chúng tôi, từ xã lên phường, từ thôn trở thành tổ dân phố không đơn thuần chỉ là thay một tên gọi, mà hơn thế, đó là niềm tin, sự kỳ vọng về sự đổi thay của một vùng quê nông nghiệp từ bao đời nay. Chúng tôi nguyện chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng xã Hoằng Đại ngày càng khang trang”.
Đại biểu và cử tri Tổ dân phố Phú Thọ 1, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) dự hội nghị lấy ý kiến cử tri về nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và nhập phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn.
Cùng thời điểm này, 311 phố, thôn trên địa bàn TP Thanh Hóa đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri về nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa. Trong đó, các phường Tân Sơn, Phú Sơn có thêm phần lấy ý kiến cử tri về việc nhập phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn; xã Hoằng Quang, Hoằng Đại có thêm phần lấy ý kiến cử tri về việc thành lập phường Hoằng Quang, phường Hoằng Đại.
Về hình thức lấy ý kiến cử tri, 5 phường, xã là Tân Sơn, Phú Sơn, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Hải, mỗi phường, xã chọn 1 phố, thôn để tổ chức khai mạc hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nhà văn hóa phố, thôn. Sau khai mạc, kết hợp tổ chức lấy phiếu tại hội nghị và tại hộ gia đình. Đối với 29 phường, xã còn lại tổ chức lấy ý kiến cử tri tại hộ gia đình.
Các phường có số lượng dân cư lớn, có các khu chung cư trên địa bàn như Đông Vệ, Đông Thọ, Đông Hương, Đông Hải, Phú Sơn, Quảng Thành có thể kéo dài thời gian lấy ý kiến cử tri từ ngày 1/6 đến hết ngày 4/6. Các phường, xã ít dân cư hơn thực hiện trong 2 ngày 1 và 2/6.
Phường Quảng Cát (TP Thanh Hóa) lấy ý kiến cử tri tại hộ gia đình.
Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, các bước chuẩn bị cho lấy ý kiến cử tri được TP Thanh Hóa và các phường, xã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. 34 phường, xã đã thành lập các Tổ lấy ý kiến cử tri. Tổ trưởng Tổ lấy ý kiến cử tri do bí thư chi bộ đảm nhiệm, thư ký và thành viên là đại diện chi hội, chi đoàn, người có uy tín ở tổ dân phố tham gia.
Để không xảy ra sai sót, các phường, xã đã tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho thành viên các Tổ lấy ý kiến cử tri về cách phát phiếu, ghi phiếu, thu phiếu, kiểm phiếu, tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri. Đồng thời in ấn và niêm yết tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri tại công sở UBND phường và chuyển cho các tổ dân phố niêm yết tại các địa điểm tổ chức lấy ý kiến cử tri.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để cử tri hiểu rõ quan điểm, mục tiêu, vai trò, ý nghĩa của việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa; tên gọi, ý nghĩa tên gọi của đơn vị hành chính mới sau sáp nhập; nơi đặt công sở làm việc của đơn vị hành chính mới; quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc tham gia ý kiến… nhằm tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.
Cử tri xã Đông Tiến (Đông Sơn) bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Trên những con đường rộn rã tiếng nói cười, cờ hoa, lòng người như cũng nhân lên niềm tin mới, đông đảo cử tri thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến (Đông Sơn) có mặt tại nhà văn hóa thôn để thực hiện quyền công dân của mình. Có thể cảm nhận rõ, việc lấy ý kiến cử tri là dịp để củng cố và bồi đắp niềm tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Bà Trần Thị Tuyết, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ lấy ý kiến cử tri thôn Hiệp Khởi cho biết: “Trước ngày diễn ra hội nghị lấy ý kiến cử tri, công tác chuẩn bị được chúng tôi tiến hành nghiêm túc, bài bản. Từ việc họp hội nghị mở rộng để triển khai, đến việc đẩy mạnh tuyên truyền, chuẩn bị danh sách cử tri, niêm yết tài liệu, thời gian, địa điểm lấy ý kiến cử tri, kiểm phiếu, tổng hợp, lập biên bản… Với quyết tâm cao, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ với 759 cử tri được lập danh sách đã tham gia lấy ý kiến (đạt 100%), trong đó có tới 97,8% cử tri tán thành chủ trương nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa”.
Đây là lần đầu tiên cử tri Phạm Thị Nhật Linh (18 tuổi) ở thôn Hiệp Khởi được cầm lá phiếu trên tay. Em cho biết: “Trước khi đến điểm bỏ phiếu em đã nghiên cứu Đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa nhưng vẫn muốn đến sớm để có thể cảm nhận được không khí đông vui, nhộn nhịp, và lắng nghe thêm nhiều ý kiến từ những cử tri lớn tuổi để có cái nhìn thực tế hơn về đề án cũng như sự phát triển của địa phương mình trong tương lai”.
Cử tri xã Đông Nam (Đông Sơn) tại buổi lấy ý kiến cử tri.
Cùng với các xã, thị trấn trong huyện, 3.732 cử tri xã Đông Nam (Đông Sơn) đã tự tay viết những lá phiếu để thực hiện chủ trương lớn của Trung ương và của tỉnh. Bà Lê Thị Gái ở thôn Phú Yên cho biết: “Ngoài lấy ý kiến tập trung, việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri đến từng hộ gia đình là cách làm rất hiệu quả và phù hợp. Cách làm này giúp những người cao tuổi, người khuyết tật, người ốm đau… không đi lại được vẫn thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình”.
Có một chút tiếc nuối khi không còn tên huyện Đông Sơn, nhưng bà Gái vẫn tin địa danh Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn sẽ không bị mất đi, mà được duy trì, lưu giữ và phát huy giá trị sau sáp nhập.
Cử tri phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) nghiên cứu bản đồ TP Thanh Hóa sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa.
Căn cứ vào tình hình thực tế, huyện Đông Sơn lựa chọn 2 hình thức lấy ý kiến cử tri tại nhà văn hóa thôn, tiểu khu và phát phiếu lấy ý kiến cử tri đến từng hộ gia đình. Thị trấn Rừng Thông và xã Đông Thịnh là 2 địa phương lấy ý kiến cử tri về 2 nội dung: Nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường Rừng Thông, Đông Thịnh. 12 xã còn lại lấy ý kiến cử tri về nội dung nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa.
Để việc lấy ý kiến cử tri diễn ra thành công tốt đẹp, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Sơn đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách cụm, các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách xã về dự và chỉ đạo cấp ủy cơ sở tổ chức lấy ý kiến cử tri theo kế hoạch. Đảng ủy các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các đồng chí thường vụ đảng ủy, đảng ủy viên phụ trách các thôn, khu phố chỉ đạo việc lấy ý kiến cử tri. UBND các xã, thị trấn ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai, đồng thời tổ chức lấy ý kiến cử tri, tiếp nhận và xử lý đơn thư, kiến nghị của cử tri (nếu có) theo quy định. MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức và hành động.
Thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê (Đông Sơn) tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri về nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa.
Nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa là chủ trương lớn của Trung ương và của tỉnh nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo ra không gian của đô thị loại I đủ tầm phát triển trong tương lai và tạo được một vùng động lực mở cho thành phố phát triển. Không chỉ trở thành một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, có bản sắc, mà trong tương lai, TP Thanh Hóa mới còn giữ vai trò trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học – công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục – đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ. Qua đó, góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước – một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Tố Phương