Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách đặc thù là động lực để thúc đẩy kinh tế – xã hội khu vực miền núi xứ Thanh phát triển.
Chị Hà Thị Mến, bản Bàn, xã Quang Chiểu (Mường Lát) thu hoạch lúa nếp Cay Nọi.
Trước đây, gia đình chị Hà Thị Mến, bản Bàn, xã Quang Chiểu (Mường Lát) thuộc diện khó khăn của xã. Sau khi tham gia mô hình trồng lúa nếp Cay Nọi, điều kiện kinh tế đã được cải thiện đáng kể. Chị Mến cho biết: “Gia đình mình thoát nghèo là nhờ trồng lúa nếp Cay Nọi. Với 5 sào lúa nếp Cay Nọi, mỗi năm thu hoạch một lần, năng suất đạt khoảng 15 – 20 tạ, trừ chi phí, mình để dành khoảng 20 triệu đồng, giá trị kinh tế cao hơn trồng ngô, trồng sắn rất nhiều”.
Huyện Mường Lát có gần 800ha lúa nước, trong đó huyện quy hoạch khoảng 500ha để trồng lúa nếp Cay Nọi, tập trung ở 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Năm 2021, gạo nếp đặc sản Cay Nọi của huyện đã được công nhận OCOP 3 sao. Và hiện nay, huyện đang có chính sách hỗ trợ người dân xây dựng mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo nếp Cay Nọi an toàn” nhằm giúp sản phẩm “có chỗ đứng” trên thị trường.
Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, bằng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Mường Lát đã triển khai hơn 100 dự án, mô hình sản xuất, trong đó bao gồm dự án chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp. Các dự án đã hỗ trợ hàng nghìn con giống gia súc, gia cầm, như trâu, bò sinh sản, lợn, gà và các loại giống cây trồng như cam, đào lai, táo mèo, khoai sọ, vải thiều, mận hậu, vầu đắng… Huyện Mường Lát cũng ban hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, gắn với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở hài hòa lợi ích “5 nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp); cơ cấu diện tích cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương; khuyến khích, hỗ trợ Nhân dân chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại; phát triển lâm nghiệp theo hướng tăng diện tích rừng kinh tế, giảm diện tích rừng sinh khối, tăng diện tích rừng gỗ lớn để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân…
Với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, tình hình kinh tế – xã hội của huyện Mường Lát có những bước phát triển tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (chuẩn mới) là 56,18%; hộ cận nghèo là 12,64%; có trên 45.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn được hỗ trợ làm nhà ở; hơn 80% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm thôn, bản; 100% các xã có đường giao thông đến trung tâm xã được thảm nhựa và bê tông hóa; gần 14.000 hộ chuyển đổi ngành nghề; xây dựng và đưa vào sử dụng trên 3.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, 22 trung tâm cụm xã, trên 200 công trình nước sinh hoạt tập trung thôn, bản…
Không chỉ huyện Mường Lát, nhiều địa phương khu vực miền núi trong tỉnh đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, đó chính là động lực để các huyện miền núi xứ Thanh bứt phá đi lên. Trong đó phải kể đến Chương trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 đã mang đến một luồng sinh khí mới cho đồng bào các dân tộc vùng cao. Trong 28 chỉ tiêu của chương trình, đến nay có 11/28 chỉ tiêu đề ra đạt và vượt kế hoạch (bằng 39,28%)…
Trong giai đoạn 2011-2023, tỉnh ta cũng đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ khu vực miền núi, điển hình như: Đề án “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”; Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020; Đề án phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án ổn định đời sống và phát triển kinh tế – xã hội đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chương trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025…
Ngoài ra, các sở, ban, ngành trong tỉnh cũng đã chung tay giúp đỡ các huyện miền núi xây dựng các chương trình, đề án, dự án về hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường, lớp học, cơ sở y tế, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm… Đó là Dự án nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn qua các tỉnh Hòa Bình – Thanh Hóa; nâng cấp tuyến Quốc lộ 15C qua các huyện Quan Hóa, Ngọc Lặc; nâng cấp các tuyến đường liên huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy; đường tuần tra biên giới cơ động kết hợp kinh tế – xã hội từ Km42 Quốc lộ 217 đến mốc biên giới H5 (Quan Sơn); đường Nà Ón đi Tà Cóm, xã Trung Lý (Mường Lát) với tổng chiều dài 25,42km; đường Tén Tằn – Mường Chanh – Mốc G7 (Mường Lát)…
Về lĩnh vực nông nghiệp, nhiều huyện miền núi đã được ngành nông nghiệp của tỉnh hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kiến thức khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, quản lý bảo vệ rừng, phát triển các mô hình nông nghiệp, như: mô hình sản xuất cây lúa nước cho năng suất cao ở xã Yên Khương (Lang Chánh), xã Trung Lý (Mường Lát); cây vầu (Quan Sơn); nuôi cá tầm ở xã Bát Mọt (Thường Xuân); mô hình trồng 3 loài cây dược liệu dưới tán rừng ở Khu bảo tồn loài Nam Động và cây huyết đằng, ngũ gia bì ở Quan Hóa; sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến của Công ty CP Sông Mã tại bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh); Dự án khoa học ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ các loài dược liệu giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm tại 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa…
Từ những cơ chế, chính sách thiết thực dành cho khu vực miền núi xứ Thanh, tin tưởng rằng, đây sẽ là động lực để các huyện miền núi phát huy lợi thế, tạo đột phá để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Bài và ảnh: Xuân Minh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dong-luc-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-nbsp-cac-huyen-mien-nui-phat-trien-221568.htm