Ngày nay, du lịch được xem là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa. Du lịch không chỉ tạo cơ hội cho con người được trải nghiệm những gì đang diễn ra trong xã hội đương đại; mà còn được khám phá những nền văn hóa đã diễn ra trong quá khứ. Và do đó, khai thác giá trị di sản gắn với phát triển du lịch đang trở thành một hướng đi, hay tạo nên một “đời sống” mới đối với nhiều di sản.
Du khách tham quan Khu di tích Lam Kinh. Ảnh: Tr.H
Du lịch ngày càng được nhấn mạnh là một động lực quan trọng góp phần bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa. Do vậy, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã đề ra mục tiêu chung: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó có du lịch văn hóa, trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao. Từ đó, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.
Thanh Hóa có nhiều di tích, danh thắng đẹp, trong đó Di tích lịch sử Lam Kinh với lịch sử gần 6 thế kỷ ra đời và tồn tại, được đánh giá cao về giá trị lịch sử và bề dày văn hóa. Trên cơ sở định hướng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời, dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có để khai thác phát triển du lịch, những năm qua, di tích này đã và đang được chú trọng đầu tư tôn tạo và đưa vào khai thác, để trở thành một trong những điểm đến du lịch văn hóa – tâm linh quan trọng của tỉnh Thanh Hóa. Trong các năm 2021, 2022 và 9 tháng năm 2023, Lam Kinh đón được trên 652,5 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế gần 1,3 nghìn lượt).
Để phát triển du lịch ở Lam Kinh, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, trước hết phải chú trọng công tác quy hoạch tổ chức không gian du lịch phù hợp với Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; cũng như các quy định pháp lý được quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch và các luật có liên quan. Từ đó, nhằm tránh cho các giá trị nguyên bản của di tích chịu các ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động du lịch, nhưng vẫn đáp ứng được tính tiện ích và hấp dẫn để phục vụ du lịch. Cùng với đó, tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực đầu tư tôn tạo di tích và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tại di tích (ăn uống, giải trí, trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương… phục vụ khách tham quan). Song song với đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến; áp dụng các tiến bộ công nghệ vào quảng bá nhằm đưa di sản đến gần hơn với du khách. Đồng thời, chú trọng khai thác giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể của vùng đất Lam Sơn như lễ hội, trò chơi, trò diễn… phục vụ du lịch.
Các di tích, di sản vốn gắn với đời sống xã hội và tham quan, trải nghiệm vẻ đẹp di sản là giúp hậu thế được trải nghiệm về một thời quá khứ hào hùng của dân tộc. Do đó, bên cạnh việc xây dựng được sản phẩm du lịch lý tưởng, nhiều ý kiến cho rằng, cần chú trọng hơn nữa đến công tác nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, hiện nay thư mục các công trình nghiên cứu về khởi nghĩa Lam Sơn và vương triều Lê Sơ công bố tại “Hội thảo khoa học quốc gia: Khởi nghĩa Lam Sơn và thành lập Vương triều Lê” gồm có 470 đầu sách chuyên luận, luận án tiến sĩ, các bài báo… Buồn và tiếc là các công trình nghiên cứu về di tích chỉ chiếm số ít trong tổng thể các công trình nói trên và như vậy cơ sở khoa học để xếp hạng di tích là vô cùng khó khăn. Từ đó dẫn đến một hệ lụy không mấy vui là số lượng các di tích đã được xếp hạng có liên quan đến di tích Lam Sơn quả là còn quá ít và hoàn toàn chưa xứng tầm với vị thế, giá trị của sự kiện trọng đại này trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta hơn 600 năm về trước.
Cũng theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, Thanh Hóa là quê hương khởi phát của khởi nghĩa Lam Sơn. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa từ thế hệ này qua thế hệ khác luôn có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích Lam Kinh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sử học, văn hóa học tỉnh nhà nghiên cứu có chiều sâu về cuộc khởi nghĩa này. Qua khảo sát, nghiên cứu, các nhà khoa học Thanh Hóa đã góp phần làm sáng rõ hơn quê hương, con người và những võ công hiển hách của Lê Lợi và các cộng sự đồng hương của Ngài. Từ đó, xác định được vị trí địa lý và phạm vi của Khu di tích Lam Kinh; xác định được vị trí diễn ra Hội thề Lũng Nhai; xác định được địa danh đồn Đa Căng – trận thắng lớn của nghĩa quân trên đường vào Nghệ An xây dựng “đất đứng chân”; xác định được nội dung, hình thức diễn xướng của lễ hội Lam Kinh, trong đó có hạt nhân là trò Xuân Phả – di sản được ghi vào danh mục di sản phi vật thể của quốc gia…
Do đó, để phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, theo nhà nghiên cứu này, cần phải hình thành được các chuỗi giải pháp gắn kết hữu cơ với nhau để vừa bảo tồn di tích tốt, vừa phát huy giá trị di tích tốt hơn. Đồng thời, ông cũng bày tỏ hy vọng sẽ sớm có những tư tưởng lớn, giải pháp lớn có tính tổng thể, chủ động nhằm xây dựng Lam Kinh thành trung tâm nghiên cứu, giáo dục lịch sử, thưởng ngoạn văn hóa và trải nghiệm hấp dẫn về khởi nghĩa Lam Sơn. Để “di tích có thể nuôi di tích” và di tích thực sự trở thành nền tảng, tạo nên nội lực làm giàu cho quê hương.
Trần Hằng
(Bài viết có sử dụng các tư liệu trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Kỷ yếu Hội thảo khoa học Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nhân dân Thanh Hóa với Khởi nghĩa Lam Sơn”).