Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta, cùng với nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, điều kiện kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi xứ Thanh đã có chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Người dân xã Trung Lý (Mường Lát) tham gia làm đường giao thông thôn, bản.
Nhờ chính sách dân tộc mà nhiều hộ gia đình trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh được tạo điều kiện để yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Trước năm 2015, gia đình ông Đỗ Văn Hoan, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy) thuộc diện hộ nghèo. Thế nhưng, với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, ông Hoan đã được chính quyền địa phương hỗ trợ chính sách phát triển sản xuất, đồng thời hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả. Từ “đòn bẩy” của chính sách dân tộc, ông Hoan đã mạnh dạn thuê 5 ha đất để cải tạo làm trang trại tổng hợp trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Đến nay trang trại của ông Hoan đã quy hoạch được gần 2.000m2 chuồng trại chăn nuôi, với 160 con lợn thương phẩm/lứa và duy trì 30 con lợn nái để nhân đàn. Ông cũng quy hoạch 2 ha trồng các loại cây ăn quả như: cam, ổi lê, mít Thái… Tận dụng chất thải từ đàn lợn và các phụ phẩm nông nghiệp, ông đã đầu tư mô hình sản xuất phân bón vi sinh để sử dụng trong trang trại và cung cấp cho người dân ở các vùng lân cận. Không những làm giàu cho gia đình, ông Hoan còn tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Với những nỗ lực của bản thân, ý chí vượt khó để làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Đỗ Văn Hoan được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì sự nỗ lực, mạnh dạn thay đổi tư duy, vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi.
Từ gương điển hình của ông Đỗ Văn Hoan có thể thấy rằng, nhờ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Trung ương, của tỉnh đã tạo động lực cho kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi phát triển; giúp đồng bào DTTS ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như Đề án phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án giảm nghèo bền vững cho các huyện nghèo; Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020; Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, tỉnh Thanh Hóa…
Một trong những chính sách để lại dấu ấn nổi bật đó là Chương trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Sau gần 3 năm triển khai, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành và Nhân dân các dân tộc vùng đồng bào DTTS miền núi, đến nay đã có 12/28 chỉ tiêu đề ra đạt và vượt mức (bằng 43%); đời sống của đồng bào khu vực miền núi tiếp tục được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 38,12 triệu đồng/năm, tăng 5,02 triệu đồng so với năm 2020; tổng số hộ nghèo năm 2022 là 35.229 hộ (chiếm tỷ lệ 15,19%, giảm 4,81% so với năm 2021); hộ cận nghèo là 39.589 hộ (chiếm tỷ lệ 17,07%, giảm 3,35% so với năm 2021).
Đến nay, đã có 100% đường giao thông được cứng hóa từ thôn, bản đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 93,6%, tăng 2,8% so với năm 2020 (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 39,8%); hoàn thành đầu tư hạ tầng cấp điện cho 23 thôn, bản của 6 huyện; hạ tầng mạng lưới viễn thông, truyền hình được mở rộng, đến nay có 2.904 trạm thu phát sóng thông tin di động và 363 trạm truy cập internet, đảm bảo phủ sóng, cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, truyền hình đến 100% trung tâm các xã và 99,7% thôn, bản; trên địa bàn 11 huyện miền núi đã có 61 xã, 645 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 72 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi còn một số khó khăn, hạn chế đó là còn 18/28 chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có một số chỉ tiêu khó đạt kế hoạch, như: thu nhập bình quân đầu người; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ đồng bào dân tộc tham gia bảo hiểm y tế… Đối với kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu kém; đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế về năng lực chỉ đạo và công tác chuyên môn; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính quyền; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao so với bình quân chung của tỉnh…
Từ những hạn chế trên, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực khắc phục; khẩn trương, quyết liệt triển khai các giải pháp phù hợp, cụ thể, thiết thực, nhằm phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây sẽ là động lực quan trọng để kinh tế – xã hội vùng dân tộc miền núi xứ Thanh phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Xuân Minh