Đồng hành giúp nhau phát triển kinh tế là phong trào nổi bật và trọng tâm được Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Nông Cống triển khai rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực. Với sự hỗ trợ của tổ chức hội, nhiều hội viên CCB đã vượt khó vươn lên, trở thành những tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh.
Cán bộ Hội CCB huyện Nông Cống thăm mô hình kinh tế của hội viên xã Vạn Hòa.
Phần lớn hội viên CCB huyện Nông Cống đều gắn bó với đồng ruộng. Để giúp hội viên phát triển kinh tế từ chính đồng đất quê mình, hội CCB các xã, thị trấn đã phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – công nghệ trong nông nghiệp cho hội viên. Qua đó giúp hội viên nâng cao nhận thức, tiếp cận được những tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Các cấp hội cũng bám sát chương trình phát triển kinh tế, các chính sách kích cầu của Nhà nước, của các cấp hội CCB và địa phương để vận động cán bộ, hội viên vận dụng vào điều kiện địa bàn và khả năng của gia đình, mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế.
Cùng với tổ chức cho cán bộ, hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả ở nhiều nơi, hội CCB các xã, thị trấn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hội viên được nhận khoán, nhận thầu đất đồng, bãi bồi phát triển trang trại, gia trại. Đặc biệt, để tạo nguồn vốn giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội CCB huyện Nông Cống đã ký hợp đồng nhận ủy thác với các ngân hàng hơn 43 tỷ đồng cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế; duy trì hiệu quả nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng khác hơn 11,2 tỷ đồng cho hội viên vay với lãi suất thấp.
Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, hàng năm các cấp hội CCB phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng duy trì kiểm tra, giám sát việc sử dụng. Qua kiểm tra, 28/28 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện hoạt động tốt, không có nợ quá hạn. Hầu hết hội viên được vay vốn đã phát triển sản xuất, kinh doanh có lãi, nhiều người có thu nhập cao, ổn định.
Từ sự giúp đỡ của tổ chức hội cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, mỗi hội viên CCB huyện Nông Cống đã chọn hướng đi riêng trong phát triển kinh tế. Người chăn nuôi, người trồng trọt, người kinh doanh…, nhưng tất cả đều có điểm chung là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng vươn lên xây dựng đời sống khá giả. Để giúp nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, các xã đã thành lập được 7 câu lạc bộ “CCB giúp nhau phát triển kinh tế” với gần 200 thành viên tham gia. Tham gia câu lạc bộ, nhiều hội viên đã đi đầu trong việc tích tụ ruộng đất, đưa những cây giống, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, như trồng lúa năng suất chất lượng cao, trồng hoa, nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá, tôm; phát triển nghề nón lá, làm miến, làm hương, mây tre đan, dịch vụ thương mại… Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò tiên phong gương mẫu trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng của những hội viên CCB.
Thực hiện tốt phong trào “Giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp, tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế ở địa phương” giai đoạn 2017-2022, chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của hội viên CCB huyện Nông Cống ngày càng được nâng cao. Mức sống có sự chuyển biến nhanh và cao hơn mức sống của cộng đồng dân cư ở địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 18/29 xã, thị trấn không còn hội viên nghèo; tỷ lệ hộ CCB khá và giàu tăng lên, chiếm 61,8%, hộ nghèo giảm còn 0,3%, cận nghèo giảm còn 0,77%. Đây là kết quả rất phấn khởi, thể hiện sự đồng hành của các cấp hội và sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của mỗi hội viên.
Điển hình trong thực hiện phong trào là các tập thể như Hội CCB thị trấn Nông Cống, các xã Tế Thắng, Tế Lợi, Thăng Long, Vạn Hòa, Trường Sơn, Trường Giang, Tượng Sơn, Tân Phúc, Hoàng Sơn, Hoàng Giang… Các cá nhân tiêu biểu như CCB Bùi Đức Chính, Giám đốc Công ty May Chính Sơn, xã Thăng Thọ, tạo việc làm cho 60 – 70 lao động với thu nhập 6 – 7 triệu đồng/người/tháng; CCB Nguyễn Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ xăng dầu Long An, xã Trường Sơn, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên và trên 50 lao động thời vụ với thu nhập 6 – 12 triệu đồng/người/tháng; CCB Lê Đình Kháng, chủ trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc, xã Tế Thắng tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng; CCB Nguyễn Đình Tiếp, xã Tân Phúc, chủ trang trại tổng hợp, tạo việc làm cho 9 – 12 lao động với thu nhập 6 – 12 triệu đồng/người/tháng; CCB Đỗ Viết Lễ, xã Thăng Bình, chủ trang trại tổng hợp, tạo việc làm cho 8 lao động với thu nhập 6 – 8 triệu đồng/người/tháng…
Chủ tịch Hội CCB huyện Nông Cống Hà Công Trường cho biết: “Thực hiện phong trào “Giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp, tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế ở địa phương” giai đoạn 2017-2022, các cấp hội đã triển khai rất tích cực và hiệu quả, nên đã thu hút được đông đảo hội viên tham gia, phát huy được ý chí và tiềm năng của hội viên CCB, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB hăng hái thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh; nhiều mô hình, điển hình tiên tiến tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Phát huy hiệu quả của phong trào, các cấp hội tiếp tục triển khai sâu rộng với nhiều giải pháp phù hợp, đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, khẳng định vai trò của hội CCB trên mặt trận chống đói nghèo, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương”.
Bài và ảnh: Tố Phương