Để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đồng thời triển khai nhiều chương trình ưu đãi cho doanh nghiệp với nhiều phân khúc khác nhau, linh hoạt, phù hợp với nhiều loại hình doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp gia công hàng may mặc xuất khẩu tại xã Đa Lộc (Hậu Lộc).
Năm 2023, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành lãi suất khá hợp lý với nhiều lần điều chỉnh hạ lãi suất cho vay giảm sâu so với năm 2022. Theo đó, NHNN Thanh Hóa đã liên tục có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi, niêm yết công khai lãi suất tiền gửi. Đồng thời, phải tuân thủ cam kết giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng phải giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, trong năm 2023, Agribank đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn theo đúng tinh thần của Nghị định 31/NĐ-CP với tổng quy mô nguồn vốn hỗ trợ lên tới 40.000 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Theo đó, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đồng loạt giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu cho khách hàng, với số tiền lãi giảm gần 50 tỷ đồng; thực hiện 4 lần giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,5 – 2,0%/năm; thực hiện cơ cấu lại thời hạn nợ giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng.
Tại Ngân hàng TMCP Công Thương – Chi nhánh Thanh Hóa, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng kinh doanh, tiếp cận với dòng vốn giá rẻ, ngân hàng đã triển khai gói ưu đãi lãi suất quy mô 15.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 5,9%/năm. Gói tín dụng được triển khai từ tháng 6/2023 với lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm để phù hợp với tình hình kinh tế và hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn. Ngoài ra, ngân hàng gia tăng ưu đãi dành cho doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu với lãi suất ưu đãi từ nay đến hết 31/7/2024. Đây là một chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động.
NHNN Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN và Chỉ thị số 03 của Thống đốc NHNN. Đến cuối tháng 12/2023, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 1.366 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt hơn 20,7 tỷ đồng cho 210 khách hàng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 218 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ được cơ cấu lũy kế đạt 1.190 tỷ đồng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, bên cạnh việc thực hiện các chương trình tín dụng và chính sách hỗ trợ khách hàng theo quy định của Chính phủ và NHNN Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động triển khai thực hiện 89 gói tín dụng hỗ trợ khách hàng theo chương trình nội bộ (ưu đãi lãi suất, miễn/giảm lãi…). Đến nay, đã có 203.454 khách hàng được hỗ trợ với doanh số cho vay được hỗ trợ đạt hơn 76.539 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng là gần 287 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng chủ động triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp như tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ người dân, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn ngân hàng. Hiện, có hơn 4.660 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng với dư nợ đạt hơn 52.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, cuối tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện về điều hành tín dụng những tháng cuối năm. Theo đó, các ngân hàng thương mại đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tiếp tục cung cấp nguồn vốn với lãi suất hợp lý cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Những biện pháp này sẽ tiếp tục góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phát triển sản xuất, kinh doanh thì chỉ sự nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ, mà cần có thêm giải pháp “trợ lực” từ các ban, ngành, chính quyền địa phương. Cần có chính sách thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp có các phương án kinh doanh hiệu quả để các ngân hàng thương mại tiếp cận cấp tín dụng…
Bài và ảnh: Khánh Phương