Trên mảnh đất Nga Sơn, những cán bộ tín dụng của Tổ chức TCVM Thanh Hóa luôn không ngừng nỗ lực, cố gắng nâng cao chất lượng, mở rộng địa bàn, đa dạng dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho nhiều khách hàng là các hộ nghèo, thu nhập thấp, tiểu thương, doanh nghiệp siêu nhỏ… có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn vay, từ đó từng bước ổn định cuộc sống, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, tự tin khẳng định giá trị bản thân…
Chị Phạm Thị Thái (thôn 1, xã Nga Liên) tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa đầu tư làm nghề đánh lõi.
Còn nhớ, tháng 4/2019, TCVM Thanh Hóa đã phối hợp với Hội LHPN huyện Nga Sơn thực hiện các hoạt động khảo sát, truyền thông và gặp gỡ chị em tại địa phương nhằm hiện thực hóa sứ mệnh, mục tiêu vì cộng đồng, cung cấp dịch vụ tài chính và phi tài chính hiệu quả đến các hộ nghèo, thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ… Lúc bấy giờ, địa bàn Nga Sơn vẫn do phòng giao dịch (PGD) Bỉm Sơn phụ trách. Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, định hướng phát triển chung, tháng 10/2021, Tổ chức TCVM Thanh Hóa quyết định thành lập PGD Nga Sơn trực thuộc chi nhánh Hoằng Hóa.
Từ dư nợ ban đầu chỉ khoảng 6 tỷ đồng, đến nay, PGD Nga Sơn hoạt động trên 12 xã với 1.034 khách hàng; trong đó số khách hàng tham gia vay vốn là 797, tổng dư nợ đạt 20,5 tỷ đồng. Tất cả các khách hàng vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành đầy đủ quy định của TCVM Thanh Hóa. Tỷ lệ hoàn vốn đạt mức cao. Việc thu phát vốn ngay tại thôn, hình thức “vay một thúng trả từng đấu” cùng sự quan tâm, sát sao của cán bộ TCVM Thanh Hóa trong quá trình vay vốn thuận lợi, phù hợp nên khách hàng tin tưởng, tham gia vay vốn ngày càng đông.
Bên cạnh việc cung cấp vốn vay, TCVM Thanh Hóa – PGD Nga Sơn, cán bộ tín dụng phối hợp với cán bộ phụ nữ thôn, phố tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên vay vốn hiểu rõ hơn về bản chất của các gói tín dụng, tiết kiệm, cách thức sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. PGD đã chủ động tập huấn, chia sẻ các kiến thức về tài chính cá nhân trong các buổi thu phát vốn, làm hồ sơ vốn vay cho khách hàng trên địa bàn. Nhiều người đã trở thành khách hàng thân thiết của TCVM Thanh Hóa với nhiều chu kỳ vay vốn, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
Hồi tưởng lại những ngày đầu tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, gia đình chị Phạm Thị Thái (thôn 1, xã Nga Liên) là đối tượng khách hàng thu nhập thấp. Chị Thái làm nghề đánh lõi tại địa phương, chồng làm nghề thợ hồ nên mức thu nhập thường không ổn định, cuộc sống nhiều khó khăn. Mong muốn thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, năm 2022, chị Thái mạnh dạn tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Với số tiền 30 triệu đồng, chị Thái đầu tư toàn bộ vào mua cói đánh lõi. Do thời điểm giá cả thị trường cao cùng sự siêng năng, nhanh nhẹn trong công việc, chị Thái có mức thu nhập tốt hơn từ nghề.
Đặc biệt, cách thức “vay một thúng trả từng đấu” của TCVM Thanh Hóa tạo điều kiện cho chị Thái để trả vốn vay theo từng tháng, ngoài ra chị sẽ đóng một khoản tiết kiệm và được trả lãi cho khoản tiết kiệm đó. Như vậy, khi hết chu kỳ, chị Thái đồng thời trả hết cả gốc lẫn lãi, lại có thêm khoản tiết kiệm nhỏ. Cách thức này rất phù hợp với đối tượng khách hàng như chị Thái nên ngay sau đó, chị tiếp tục làm hồ sơ vay vốn của TCVM Thanh Hóa với hạn mức vay 50 triệu đồng, một phần để xây dựng, lắp đặt hệ thống nước sạch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, một phần để đầu tư mua cói đánh lõi.
Bà Mai Thị Huyền (thôn 6, xã Nga Liên) vốn là hộ buôn bán nhỏ, lẻ trên địa bàn; gian hàng thưa thớt vài mặt hàng sành, sứ là nguồn thu nhập chính. Bà Huyền cho biết: “Nhiều khi cũng muốn mở rộng việc buôn bán, cải thiện thu nhập nhưng nghĩ đi nghĩ lại mình cũng có tuổi rồi, lãi vay ngân hàng thương mại thì cao, nhiều thủ tục, biết có làm được gì mà gánh vác”. Sau đó, được tiếp cận với nguồn vốn vay của TCVM Thanh Hóa, được nghe cán bộ tín dụng tư vấn, hướng dẫn thủ tục, cách thức, bà Huyền cảm thấy nhiều điều thuận lợi, phù hợp với bản thân nên yên tâm vay vốn. Đến nay, bà Huyền đã trải qua 2 chu kỳ vay vốn, mỗi chu kỳ vay hạn mức 50 triệu đồng. Bà sử dụng tiền vay vốn để đầu tư nâng cấp gian hàng, đa dạng các mặt hàng. Công việc buôn bán ngày càng thuận lợi, đông khách hơn, bà Huyền càng cảm thấy tin tưởng, gắn bó với Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Bà Huyền bảo: “Nếu biết đến tổ chức và được tham gia vay vốn từ sớm thì bà sẽ làm được nhiều việc hơn, cuộc sống đã khác hơn rất nhiều”.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, nhiệt tình, các cán bộ, nhân viên PGD Nga Sơn đã đưa nguồn vốn vay của TCVM Thanh Hóa đến gần hơn với khách hàng, từ đó góp phần giúp địa phương trong việc thực hiện các tiêu chí XDNTM, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giúp các hộ gia đình cải thiện chất lượng cuộc sống, tự tin khẳng định giá trị bản thân.
Hoạt động tại địa bàn tương đối lớn, đối tượng khách hàng đa dạng, PGD Nga Sơn xác định phát huy thế mạnh, kết quả đạt được, từng bước tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt dư nợ 23 tỷ đồng với 900 khách hàng. Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng PGD Nga Sơn cho biết: “Để thực hiện được mục tiêu đó, bên cạnh sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân viên PGD, chúng tôi tiếp tục triển khai hiệu quả định hướng, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời; đẩy mạnh công tác phối hợp với hội LHPN các cấp…”.
Bài và ảnh: Hoàng Linh