Bám sát định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Nam Thanh Hóa (Agribank Nam Thanh Hóa) đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, triển khai nhiều chương trình giảm lãi suất, giãn, gia hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng. Đồng thời ưu tiên cho vay bổ sung mới nguồn vốn tín dụng. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội tại địa phương phát triển.
Cán bộ Agribank Nam Thanh Hóa kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng.
Những tháng đầu năm, đơn hàng xuất khẩu của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Sơn Lâm ở thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) được ký kết tăng khoảng 20% nên nhu cầu về vốn của doanh nghiệp cũng tăng theo để có thể mở rộng quy mô sản xuất. Nắm bắt nhu cầu này, Agribank Nam Thanh Hóa đã cấp hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp với nguồn vốn lưu động 10 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức còn khoảng 5%/năm, giúp doanh nghiệp để có thêm điều kiện đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ông Cao Văn Sơn, Giám đốc doanh nghiệp, cho biết: “Trong lúc khó khăn, công ty đã được Agribank Nam Thanh Hóa hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, ngân hàng luôn chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi vay. Điều đó giúp chúng tôi tiếp cận được cùng lúc nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động. Như năm nay, doanh nghiệp đã được ngân hàng giảm lãi suất tới 2%. Điều này đã giúp chúng tôi tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, mua thêm hàng dự trữ nguồn hàng sản xuất”.
Agribank Nam Thanh Hóa đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng để chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Theo đó, ngân hàng đã 3 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 0,5% – 1%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 1 – 1,5%/năm so với đầu năm cho toàn bộ hơn 62.000 khách hàng đang vay vốn tại ngân hàng, với số tiền lãi đã giảm hơn 15 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang đưa ra nhiều chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất ngắn hạn chỉ từ 3%/năm và lãi suất gói vay trung, dài hạn chỉ từ 6%/năm đối với từng đối tượng khách hàng. Nhờ vậy đến hết quý II/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Agribank Nam Thanh Hóa đạt gần 18.000 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, để người dân, doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương, chính sách tín dụng, nhất là tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp và thuận tiện hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn, cũng như sử dụng vốn vay được hiệu quả, Agribank Nam Thanh Hóa đã chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch Agribank trực thuộc phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể và chính quyền địa phương thành lập các tổ vay vốn; hỗ trợ, tư vấn phương án sản xuất, cách quản lý, sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình chính sách lãi suất cho vay như cho vay doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu; lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 của Chính phủ; chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, cho vay hỗ trợ các cá nhân hưởng lương ngân sách, cho vay hỗ trợ đối với cán bộ nhân viên y tế… Với việc triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh hiện nay, Agribank Nam Thanh Hóa tiếp tục khẳng định luôn đồng hành chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, đáp ứng nhu cầu đời sống, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Ngoài ra, Agribank Nam Thanh Hóa đang cung ứng hơn 200 sản phẩm dịch vụ, tiện ích ngân hàng, đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Theo đó, ngân hàng đã đầu tư thêm máy ATM, CDM; lắp thêm máy POS, điểm giao dịch thanh toán qua QR-Code, VietQR; mở tài khoản tiền gửi thanh toán và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng. Đến nay, Agribank Nam Thanh Hóa đã mở gần 300.000 tài khoản tiền gửi thanh toán; tích cực triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử; dịch vụ thẻ; cho vay các mô hình liên kết với doanh nghiệp; cho vay thông qua phát hành thẻ thấu chi địa bàn nông nghiệp nông thôn. Từ đó, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ở địa bàn nông thôn.
Ông Thi Văn Tân, Phó Giám đốc Agribank Nam Thanh Hóa cho biết thêm: “Khẳng định vai trò là một trong những ngân hàng chủ lực trong đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Nam Thanh Hóa cam kết tiếp tục chủ động, chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là cho vay đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đồng thời, tiếp tục bám sát các chương trình, sản phẩm cho vay, chính sách ưu đãi của Chính phủ, của Agribank để tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là các chính sách về ưu đãi lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tiếp tục rà soát, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao việc hoàn thiện hồ sơ để khách hàng tiếp cận nguồn vốn của Agribank thuận tiện nhất”.
Bài và ảnh: Khánh Phương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dong-hanh-cung-khach-hang-phat-trien-san-xuat-kinh-doanh-217533.htm