Để góp phần thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, ngành ngân hàng tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Nhiều giải pháp tăng cường thực hiện kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, chủ động đối thoại, làm việc với khách hàng để nắm bắt nhu cầu và tháo gỡ các khó khăn trong vay vốn ngân hàng, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện bảo đảm chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả, thực chất.
Khách hàng đến giao dịch vay vốn tại BAC A BANK – Chi nhánh Thanh Hóa.
Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường truyền thông chính sách đến các doanh nghiệp. Tiếp cận, nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong quan hệ tín dụng với ngân hàng; kịp thời có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như: cho vay mới, điều chỉnh hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ… Đến đầu tháng 11-2023, dư nợ cho vay doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt gần 52.000 tỷ đồng với 4.662 doanh nghiệp đang vay vốn.
Ông Thiều Đình Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH CKT Hồng Phát, Khu Công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc ga (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Công ty hiện đang được tiếp cận nguồn vốn vay ngắn hạn của ngân hàng với lãi suất 5,8 – 6,2%/năm. Đây là nguồn vốn với chi phí rẻ giúp doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 100 lao động với thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài nguồn vốn tự có, công ty mong muốn tiếp tục được các ngân hàng đồng hành hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp để thực hiện các dự án của công ty. Hiện công ty đang sản xuất các mặt hàng thép mỹ nghệ xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Với mục tiêu khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng đã triển khai thực hiện nhiều sản phẩm tín dụng dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển – Chi nhánh Thanh Hóa (BIDV Thanh Hóa) đang triển khai gói tín dụng trung hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng tái tạo, xây dựng khu công nghiệp, xây dựng nhà xưởng cho thuê, kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, sản xuất và chế biến thực phẩm, cơ sở hạ tầng phục vụ logistics, dược phẩm… Với gói tín dụng này, BIDV áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 – 1,5% so với lãi suất niêm yết. Các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh cũng đang áp dụng các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp như: với doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất ưu đãi giảm từ 0,3 – 0,7%/năm so với sàn lãi suất hiện hành của Agribank. Với khách hàng xuất nhập khẩu, lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với lãi suất hiện hành của Agribank. Ngoài ra, lĩnh vực lâm, thủy sản, lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn tối thiểu từ 1 – 2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cổ phần như: BAC A BANK, VIB, ACB… đều chủ động thực hiện nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là trong những tháng cuối năm. Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc BAC A BANK – Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Ngân hàng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng; công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục vay vốn, biểu phí, lệ phí nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng doanh nghiệp trong quan hệ giao dịch và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, BAC A BANK đã giảm lãi suất cho vay từ 2 đến trên 3%/năm so với đầu năm để tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp.
Để triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, ngày 16/10/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 15540/UBND-KTTC về việc triển khai kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn cho nền kinh tế. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với NHNN Thanh Hóa xem xét, nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
NHNN Thanh Hóa chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: giảm lãi suất tiền gửi, giảm chi phí hoạt động tạo dư địa giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình, thủ tục cho vay theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi, đầy đủ, rõ ràng về các chương trình, chính sách tín dụng của Nhà nước, các sản phẩm tín dụng ưu tiên, ưu đãi của tổ chức tín dụng để người dân, doanh nghiệp biết, hiểu rõ và chủ động tiếp cận để được thụ hưởng chính sách. Đồng thời tiếp tục triển khai chương trình cho vay nhà ở theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất phát triển nông – lâm – thủy sản theo gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng; đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ…
Bài và ảnh: Khánh Phương