Tham gia Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp, thảo luận, kiến nghị về nhiều nội dung quan trọng cho công tác xây dựng pháp luật cũng như đóng góp các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội của đất nước, của tỉnh tiếp tục phát triển.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự tại buổi họp tổ.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV được chia làm hai đợt họp tập trung: đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6, đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 29/6/2024 tại thủ đô Hà Nội. Tại kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; đồng thời cho ý kiến vào 11 dự án luật và thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề. Với sự chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm, tại kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tham gia nhiệt tình, sôi nổi các vấn đề Quốc hội thảo luận. Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có 31 ý kiến phát biểu ở các phiên thảo luận tại tổ; có trên 20 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại hội trường; 2 ý kiến phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều bài phát biểu của các ĐBQH trong đoàn được Quốc hội, cử tri đánh giá cao. Bày tỏ thống nhất cao với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2024, ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt cần cắt bỏ thủ tục rườm rà, hình thức, không cần thiết, nếu giữ lại những thủ tục này sẽ kéo dài thời gian và rất hình thức. Ngoài ra, lắng nghe từ thực tiễn để tháo gỡ quy định về chỉ tiêu sử dụng đất lúa khi chuyển mục đích sang làm công nghiệp hoặc hạ tầng, đất ở. Đồng thời, đề nghị giao khoán cho các tỉnh phải giữ một diện tích đất lúa nhất định, còn lại cho phép địa phương được quyền quyết định việc chuyển đổi theo yêu cầu phát triển của địa phương. Cùng với đó, nên nghiên cứu về vấn đề tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp và phải có những giải pháp về mặt pháp lý để tháo gỡ các văn bản, quy định liên quan để thực hiện tự chủ một cách thông suốt. Quan tâm về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai; tiếp tục tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh việc nhà đầu tư, người mua nhà ở xã hội đủ điều kiện, có nhu cầu sớm được tiếp cận gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, xem xét chỉ đạo bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư nhà ở xã hội tại những địa phương ngoài các thành phố lớn, ở những nơi khó thu hút các nhà đầu tư. Ngoài ra, nên linh hoạt, đa dạng các hình thức mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội để phù hợp với nhu cầu, điều kiện, khả năng của người lao động có thu nhập thấp. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm xem xét sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại kỳ họp, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng tham gia thảo luận, cho ý kiến về những dự án luật, nghị quyết gồm: Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn… Trong đó, nhiều nội dung được các đại biểu tham gia góp ý chuyên sâu, mang tính xây dựng cao, được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và được ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi ý kiến tại các phiên thảo luận tại tổ và hội trường, với sự sâu sát, nắm rõ thực tế, các ĐBQH tỉnh đã tham gia tích cực vào các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Theo đó, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã thẳng thắn đề cập đến những vấn đề “nóng” trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước như: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn… Ngoài việc tham gia các hoạt động chính trong nội dung Kỳ họp thứ 7, các vị ĐBQH của tỉnh còn dành thời gian tham dự các hoạt động khác như: tham dự các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội mà các vị đại biểu là thành viên và nhiều hội nghị, hội thảo khác; trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình về những vấn đề bức xúc mà cử tri cả nước quan tâm. Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tranh thủ trao đổi, làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương để kiến nghị, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành và trao đổi kinh nghiệm với một số lãnh đạo và Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành bạn để thúc đẩy việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Với những hoạt động cụ thể, thiết thực, Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp phần quan trọng vào thành công chung của kỳ họp, tiếp tục giữ vững vai trò, vị thế của cơ quan dân cử, củng cố niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với chặng đường phát triển của đất nước, dân tộc.
Bài và ảnh: Lê Quốc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dong-gop-cua-doan-dbqh-thanh-hoa-tai-ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-217769.htm