Cùng với du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch văn hóa, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) là một trong những thế mạnh của Thanh Hóa trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và sự thay đổi xu hướng của khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch cần có những hướng đi mới nhằm khai thác tối đa dòng khách này.
Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của dòng khách MICE bởi lợi thế cơ sở vật chất đồng bộ, không gian tổ chức hội nghị lớn.
Cho đến nay, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển và TP Thanh Hóa vẫn là ưu tiên hàng đầu của dòng khách MICE khi đến với xứ Thanh. Trong đó, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn luôn thu hút được các đoàn khách MICE lớn lên tới hàng trăm khách. Lợi thế lớn của Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn đó là sở hữu hệ thống nghỉ dưỡng đồng bộ, tiện ích đẳng cấp, với hơn 1.000 phòng lưu trú, không gian tổ chức hội nghị, hội thảo lớn có thể đáp ứng được 1.100 khách. Năm nay, cùng với việc tung ra thị trường các chương trình kích cầu du lịch, tại đây dự kiến sẽ tổ chức nhiều sự kiện “điểm nhấn” như: trang trí các khu vực phục vụ khách check-in; lễ thắp sáng cây thông Noel; Gala tất niên & Countdown chào năm mới tại Khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn vào đêm 31/12/2023…
Tổng quản lý Quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn Usman Sadiq cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, cùng với đó là sự khó khăn chung trong hoạt động kinh doanh năm 2023, vì vậy cùng với chương trình giảm giá phòng 35%, chúng tôi sẽ có những chương trình riêng dành cho khách hàng đối tác, khách VIP và các đoàn khách MICE trong tháng 11, 12. Theo đó, FLC Sầm Sơn sẽ tặng voucher, giảm giá dịch vụ âm thanh, ánh sáng, hội trường, tổ chức sự kiện… Đối với dòng khách lẻ, FLC Sầm Sơn vẫn sẽ áp dụng chính sách giảm giá phòng và dự kiến sẽ nghiên cứu đưa ra thị trường các combo ưu đãi, giảm giá dịch vụ tiện ích, đồng thời sẽ tổ chức một số sự kiện điểm nhấn nhằm thu hút khách hàng”.
Cùng với Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn và một số cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Sầm Sơn, các cơ sở lưu trú 3 – 5 sao trên địa bàn tỉnh như: Mường Thanh, Central, Melia Vinpearl (TP Thanh Hóa); Ánh Phương, Hải Tiến Resort (Hoằng Hóa); Anh Phát Hotel & Resort, Cao Nguyễn (thị xã Nghi Sơn); Pù Luông Bocbandi Retreat, Pù Luông Casa Resort (Bá Thước)… được xem là điểm hẹn “truyền thống” của khách MICE trong dịp cuối năm, thậm chí có cơ sở rơi vào tình trạng quá tải ở một số thời điểm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh, các chương trình xây dựng dành cho thị trường khách MICE khi đến Thanh Hóa hiện nay vẫn chưa có sự đổi mới mạnh mẽ, chủ yếu tập trung ở các khu du lịch biển và trung tâm TP Thanh Hóa. Trong khi đó, trước xu hướng “du lịch xanh” rất nhiều đoàn khách lựa chọn các khu du lịch sinh thái cộng đồng là điểm đến trong dịp liên hoan, tổng kết cuối năm. Tuy nhiên, các khu du lịch sinh thái cộng đồng như: Pù Luông (Bá Thước), bản Mạ (Thường Xuân), bản Năng Cát – thác Ma Hao… số lượng phòng lưu trú còn hạn chế, rất ít cơ sở lưu trú có không gian tổ chức hội nghị, hội thảo. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các đơn vị lữ hành gặp khó trong việc khai thác điểm đến mới cho dòng khách MICE.
Giám đốc điều hành Công ty VNPlus Travel (TP Thanh Hóa) Hoàng Văn Thọ cho biết: “Trong những năm gần đây, du khách có nhu cầu đến các khu du lịch cộng đồng để tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch rất lớn, trong đó có cả thị trường khách đến từ các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, năng lực đón khách tại các khu, điểm du lịch cộng đồng còn nhiều hạn chế. Cụ thể, khu nghỉ dưỡng có phòng hội trường lớn nhất tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông chỉ phục vụ tối đa 150 khách. Mặt khác, dịp cuối năm được xem là “mùa cao điểm” của du lịch cộng đồng, đặc biệc là thị trường khách quốc tế. Chính điều này khiến các doanh nghiệp lữ hành khó mở rộng thị trường cũng như xây dựng điểm đến mới nhằm thu hút khách MICE”.
Thông tin từ Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, năm nay lượng khách MICE đến từ các doanh nghiệp có sự sụt giảm đáng kể, tuy nhiên trong tháng 11 và 12 dòng khách này có thể tăng từ 20 – 30% so với dịp 6 tháng đầu năm 2023. Chính vì vậy, Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng đã có định hướng đến các doanh nghiệp du lịch trong việc xây dựng chương trình ưu đãi dành riêng cho từng nhóm khách hàng, đồng thời tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của dòng khách MICE. Mới đây (ngày 7/11), Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Trong đó tập trung vào các chuyên đề như: văn hóa giao tiếp hiện đại; các kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp; bí quyết giao tiếp giữ chân khách hàng… nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nói chung và những tiêu chuẩn dành cho dòng khách MICE nói riêng.
Với định hướng phát triển du lịch bốn mùa và tăng chi tiêu của khách du lịch, thị trường khách MICE đã, đang là mục tiêu hướng đến của du lịch Thanh Hóa. Theo đó, cùng với khách hàng đối tác từ các doanh nghiệp lớn, khách công vụ cũng chính là thị trường mục tiêu của du lịch MICE dịp cuối năm. Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành trong việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm, chính các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dành cho khách MICE cần năng động, linh hoạt hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng dịch vụ để khai thác tối đa lượng khách, tạo cơ hội bứt phá cho du lịch trong năm 2023.
Bài và ảnh: Lê Anh