Sản xuất vụ mùa hằng năm thường đối mặt với nhiều khó khăn về thời tiết, sâu bệnh nên ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương linh hoạt thay đổi cơ cấu giống lúa để thích ứng với tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ. Sản xuất vụ lúa mùa hiện nay, các địa phương đã chủ động lựa chọn các giống cho năng suất cao, khả năng chống chịu và chất lượng tốt để tiếp tục cơ cấu bộ giống chủ lực và bảo đảm năng suất và giá trị trên diện tích gieo cấy.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tân, xã Trường Xuân (Thọ Xuân) sản xuất mạ khay phục vụ sản xuất vụ mùa 2024.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tân, xã Trường Xuân (Thọ Xuân) xây dựng kế hoạch gieo cấy gần 150ha lúa vụ mùa năm 2024 . Về cơ cấu giống, HTX bố trí giảm tỷ lệ lúa lai, nâng tỷ lệ lúa thuần và những loại giống chất lượng cao đang được thị trường ưa chuộng. Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc HTX cho biết: Chuyển đổi cơ cấu giống trong sản xuất là xu thế tất yếu, không chỉ giảm chi phí sản xuất trên đồng ruộng mà còn bảo đảm được khâu tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Do đó, khi xây dựng cơ cấu giống cho mùa vụ, ban quản trị HTX đã tính đến điều kiện thực tế sản xuất, giá trị và đầu ra của sản phẩm. Trong đó, để phát huy lợi thế là địa phương sản xuất vụ đông mạnh, HTX đã hướng dẫn người dân chủ yếu sản xuất trà lúa mùa sớm, với những loại giống có thời gian sinh trưởng (TGST) từ 105 ngày đến dưới 115 ngày, như: TBR97, TBR87, TBR225, Bắc Thịnh, Đài Thơm 8, Khang dân đột biến… Cùng với đó, HTX đã chủ động liên hệ với những đơn vị sản xuất giống lúa uy tín, chất lượng để cung ứng cho người dân và hướng dẫn kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa ở vụ thu mùa.
Vụ mùa năm 2024, huyện Thọ Xuân phấn đấu gieo cấy 7.450ha lúa. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện đã đổi mới cơ cấu giống lúa, theo hướng giảm diện tích lúa lai, tăng diện tích lúa thuần chất lượng cao và lúa nếp. Theo đó, huyện đặt mục tiêu sản xuất khoảng 1.000ha lúa lai, 5.850ha lúa thuần và khoảng 600ha lúa nếp. Đồng thời, chú trọng mở rộng tối đa trà mùa sớm để né tránh mưa bão, sâu bệnh cuối vụ và tạo điều kiện mở rộng diện tích vụ đông. Đến ngày 20/6, toàn huyện đã cơ bản gieo cấy xong toàn bộ diện tích lúa trong khung lịch thời vụ. Đồng thời triển khai các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để bảo đảm vụ mùa thắng lợi toàn diện.
Huyện Nông Cống đặt mục tiêu sản xuất khoảng 9.300ha lúa trong vụ mùa 2024. Với điều kiện địa hình sâu trũng dễ ngập úng vào mùa mưa nên huyện đã chủ động bố trí 100% trà lúa mùa sớm, ưu tiên sử dụng giống lúa thuần có chất lượng gạo cao. Đồng thời, mỗi xã bố trí từ 3 – 4 giống chủ lực, mỗi xứ đồng chỉ cơ cấu từ 1 – 2 giống lúa sản xuất theo vùng tập trung và tiếp tục duy trì, mở rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến ngày 17/6, trên địa bàn huyện đã hoàn thành 100% diện tích gieo cấy, đang chủ động điều tiết nguồn nước hợp lý cho việc chăm sóc lúa ở từng vùng, từng xứ đồng, tạo điều kiện cho cây lúa sinh, trưởng phát triển thuận lợi.
Vụ mùa năm 2024, Thanh Hóa đặt mục tiêu phát triển khoảng 112.900ha lúa. Trong đó, diện tích lúa nếp 11.000ha (chiếm 9,74%) trở lên. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ cấu giống lúa chủ lực cho sản xuất vụ mùa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với trà lúa mùa sớm, tuỳ thuộc vào chân đất, sử dụng các giống lúa có TGST từ dưới 105 ngày đến 125 ngày, như: TBR97, TBR87, TBR225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, Đài Thơm 8, Dự Hương 8, Hương Bình, VNR20, VNR88, TBR97,TBR87, TBR89,MHC2, Hà Phát 3, Thanh Hương, Tân ưu 98, Kim Cương 90, Lam Sơn 8, ADI 168, ADI 28, HANA318,HANA167, Hạt Ngọc 9… Đối với trà lúa mùa chính vụ sử dụng các giống lúa có TGST dưới 135 ngày, như: BC15, HANA112, HANA7, DQ11, ND502, Thanh Hương 8, Thái Hương, Q5, VT404, Thái xuyên 111, Phúc Thái 168, Phú ưu 978, ADI73, Thụy Hương 308… và các loại lúa nếp: Nếp hương, A Sào, King 6, nếp Thơm 86, nếp Cô tiên, Nếp 98, ĐT52… Đối với trà lúa mùa muộn, bố trí các giống có TGST từ 150 – 165 ngày, giống cảm ôn như Nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, nếp địa phương…
Do sản xuất vụ mùa thường gặp điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp và khó lường như mưa, bão, lũ lụt… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương cần mở rộng diện tích gieo cấy trà mùa sớm, hạn chế tối đa trà mùa muộn, vừa đảm bảo sản xuất an toàn vừa tạo ra quỹ đất để triển khai sản xuất vụ Đông. Đồng thời, hướng dẫn người dân lựa chọn các loại giống cho năng suất cao, khả năng chống chịu và chất lượng tốt để tiếp tục cơ cấu bộ giống chủ lực. Tính đến ngày 22/6, toàn tỉnh đã gieo cấy được 74.456,6ha/112.900ha lúa vụ mùa, đạt 66% kế hoạch. Để bảo đảm thắng lợi mục tiêu sản xuất vụ mùa 2024, ngành nông nghiệp đã và đang chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa và các loại cây trồng vụ thu mùa, phấn đấu gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch trong khung thời vụ. Khuyến khích tăng sử dụng phương pháp cấy, hạn chế gieo sạ. Đặc biệt, cần tập trung sản xuất trà lúa mùa sớm, mùa chính vụ trên chân đất trồng cây vụ Đông; theo dõi sát diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra các đối tượng sâu bệnh để có phương án chủ động và sẵn sàng đối phó với các diễn biến bất thường của thời tiết như nắng nóng kéo dài, hạn, mưa bão lớn, ngập úng và sâu bệnh gây hại… bảo đảm năng suất bình quân 54,5 tạ/ha, sản lượng lúa toàn tỉnh vụ mùa đạt 615.305 tấn.
Bài và ảnh: Lê Hòa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/doi-moi-co-cau-giong-lua-vu-mua-2024-217816.htm