Trên đèo Pha Đin mây trắng, những cung đường cua gấp khúc bên núi cao chon von, bên vực sâu thăm thẳm, 70 năm trước từng hừng hực khí thế cả nước ra trận, quyết đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đứng trên đỉnh đèo, bên tai bỗng như văng vẳng câu thơ của một thời hoa lửa: “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”…
Anh Doãn Đình Quang giới thiệu hàng lưu niệm cho du khách tham quan trên đỉnh đèo Pha Đin. Ảnh: PV
Pha Đin được mệnh danh là “Tứ đại đỉnh đèo” vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cùng với Ô Qúy Hồ (nối tỉnh Lai Châu và tỉnh Lào Cai), Mã Pì Lèng (tỉnh Hà Giang) và đèo Khau Phạ (tỉnh Yên Bái). Đó là một đèo cao, ngự trên ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Chúng tôi theo những khúc cua chữ A chữ Z trên Quốc lộ 6 vượt Pha Đin lúc chìm khuất trong bồng bềnh mây, khi tụt xuống dưới màu xanh bao la núi rừng Tây Bắc. Con đường tuy hiểm trở, nhưng thực sự hùng vĩ, tráng lệ, đẹp đến nao lòng.
Anh Doãn Đình Quang (sinh năm 1966), một người quê gốc ở thị trấn Nưa (Triệu Sơn) bán hàng lưu niệm trên đỉnh đèo Pha Đin đã hơn 6 năm nay, lý giải tên gọi của đèo Pha Đin. Theo anh Quang, tên gọi ấy xuất phát từ tiếng dân tộc Thái đen, gốc là “Phạ Đin”. “Phạ” nghĩa là trời, “Đin” là đất, hàm ý con đèo trập trùng mây trắng là nơi tiếp giáp, giao thoa giữa trời và đất. Người Thái sinh sống quanh chân đèo vẫn thường hay gọi “Phạ ơi” (trời ơi). Cũng theo tiếng Thái, “Pha Đin” còn mang nghĩa vách đất dựng đứng và khó trèo.
Tính từ địa phận huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), Quốc lộ 6 vượt Pha Đin đều là những khúc cua uốn lượn, cheo leo bên núi cao, bên vực thẳm, không ít đoạn cua gấp khúc. Nhưng chính những đoạn đường ngoằn ngoèo, hiểm trở ấy lại trở thành điểm riêng biệt, hấp dẫn của con đèo, thu hút nhiều người ghé đến mỗi năm. Trong đó, đa phần là người trẻ, ưa khám phá, thích chinh phục. Và thời điểm được nhiều du khách chọn lựa chinh phục Pha Đin thường là những ngày thu hanh hao gió, hoặc ngày mùa đông ào ạt buốt giá.
Còn những ngày này, trên đỉnh đèo Pha Đin, chúng tôi bắt gặp những cụ già bạc phơ mái đầu, là cựu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Dẫu biết, con đường hiện tại nhiều đoạn đã được đầu tư nâng cấp, không phải đoạn đường khi xưa, nhưng vẫn còn đó nơi ngã ba giao nhau giữa đường cũ và mới, một tấm bia đã được dựng lên với màu đỏ máu. Họ dừng lại đó để trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm thời khói lửa đã qua, rồi lưu lại bức ảnh trên cung đường trở về ký ức hào hùng.
Trên tấm bia di tích khắc dòng chữ: “Đèo Pha Đin dài 32km, điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển. Đây là nơi hứng chịu nhiều trận oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới làn bom đạn của kẻ thù, với lòng quyết tâm và tinh thần quả cảm, bộ đội, dân công và thanh niên xung phong vẫn bám trụ, vừa phá đá mở đường, vừa tháo gỡ bom mìn, giữ vững mạnh máu giao thông, đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến dịch đến ngày toàn thắng”. Phía dưới đề 4 câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu: “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”.
70 năm trước, con đèo hiểm trở bậc nhất vùng Tây Bắc đã trở thành vị trí trọng yếu trên huyết mạch chi viện cho bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ. Và hòng cắt đứt mọi bước tiến của quân ta, thực dân Pháp đã cho máy bay tuần tiễu khu vực đèo Pha Đin hàng chục lần mỗi ngày, điên cuồng thả hàng trăm quả bom các loại. Con đèo là một túi đựng bom, cùng với ngã ba Cò Nòi.
Trong cuộc đụng độ lịch sử này, ngã ba Cò Nòi – nơi giao nhau giữa Quốc lộ 13A (nay là Quốc lộ 37) và đường 41 (nay là Quốc lộ 6), thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) có vị trí vô cùng quan trọng khi nối vùng đồng bằng Bắc bộ, Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 với chiến trường Điện Biên Phủ nhờ mạng lưới vận tải: Từ Việt Bắc xuống, qua Ba Khe – Cò Nòi – Sơn La – Điện Biên; Từ Liên khu 4 – Nghệ An – Thanh Hóa – Mộc Châu – Cò Nòi – Sơn La – Điện Biên; Từ Liên khu 3 – Nho Quan – Hòa Bình – Mộc Châu – Cò Nòi – Sơn La – Điện Biên. Tuy nhiên, từ Cò Nòi, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm muốn vào Điện Biên Phủ chẳng có con đường nào khác là vượt đèo Pha Đin hiểm trở. Và để đảm bảo thông xe, thông tuyến, chi viện kịp thời sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngã xuống trên con đèo.
Một dân công hỏa tuyến mà chúng tôi may mắn được gặp đã tái hiện phần nào khí thế hừng hực của cả dân tộc ngày ấy. Ông là Nguyễn Đức Ngọc, Trưởng đoàn dân công xe thồ xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) trong những tháng ngày chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Ngọc kể, ngày ấy, đội dân công xe thồ của ông có nhiệm vụ lấy hàng từ Quảng Xương vận chuyển lên Điện Biên. Trên cả cung đường dài hàng trăm cây số, khó khăn nhất vẫn là đoạn đường qua đèo Pha Đin. Bởi muốn lên dốc ngoài người cầm lái phải cần thêm một người đẩy xe. Còn khi xuống dốc thì phải thêm 2 người, một người đẩy phía trước, một người kéo phía sau, nếu không xe bị lao xuống vực. Mỗi chuyến vận chuyển phải đi cả tháng ròng mới ra được nơi tập kết hàng ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên).
Khi có báo động máy bay giặc Pháp đến, ông Ngọc và anh em tản ra, tìm chỗ trú ẩn nấp. Máy bay qua đi, anh em lại cầm tay lái, vững cọc xe thồ nhanh chóng đẩy hàng ra lên phía trước. Đó còn chưa kể, đường đèo quanh co uốn lượn, nên giặc chỉ cần đánh bom trúng một điểm, đất đá sạt xuống lại hỏng thêm nhiều đoạn đường phía dưới. Nhưng rồi, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, ông Nguyễn Đức Ngọc và những dân công hỏa tuyến ngày ấy đã cùng với thanh niên xung phong bám trụ trên tuyến đèo, san lấp hố bom, phá đá mở đường mà đi, góp sức mình làm nên chiến thắng “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
70 năm đã trôi qua, đèo Pha Đin hôm nay đã mơn man màu cuộc sống, nhưng dấu tích về khí thế hừng hực, tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vẫn còn nguyên vẹn. Và Quốc lộ 6 đã trở thành con đường thông thương kinh tế cho tỉnh Điện Biên với miền xuôi, cho các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh Bắc Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang.
Trên cung đường đèo Pha Đin hùng vĩ bạt ngàn sắc trắng hoa ban, chúng tôi đã gặp những thiếu nữ người Thái, người Mông với những gùi mận, gùi cam mang ra bán cho khách tham quan. Và trên đỉnh đèo, nơi cửa hàng bán đồ lưu niệm của anh Doãn Đình Quang – một người gốc Thanh Hóa cũng huyên náo, rộn rã tiếng cười.
Đỗ Đức