Năm 2024, ngày Thương hiệu Việt Nam có chủ đề “Thương hiệu Việt Nam: Nâng tầm những giá trị cốt lõi”. Không chỉ tôn vinh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, các hoạt động của ngày Thương hiệu Việt Nam còn hướng tới mục tiêu nhắc nhở mỗi doanh nghiệp (DN) và cộng đồng ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, từ đó đóng góp tích cực trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đất nước.
Sản phẩm thép của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn được công nhận sản phẩm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022.
Năm 2022, cùng với các DN vốn hóa lớn như Vinamilk, Viettel, Vinhomes, Masan… Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn tự hào trở thành Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của một trong những “anh lớn” của ngành thép Việt Nam.
Được biết, ngoài ưu thế về chất lượng sản phẩm thép của dây chuyền sản xuất hiện đại số 1 thế giới từ Danieli (Italy) – một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ sản xuất phôi và cán thép, dây chuyền sản xuất thép VAS Nghi Sơn còn được biết đến với quy trình sản xuất khoa học tiên tiến và chuyên nghiệp từ khâu xử lý nguyên liệu, luyện thép đến cán thép thành phẩm. Với giá thành cạnh tranh và năng lực sản xuất dẫn đầu (4,35 triệu tấn phôi vuông và 2,5 triệu tấn thép xây dựng mỗi năm), thép VAS hiện đã phủ khắp thị trường cả nước, xuất hiện tại những công trình mang tính biểu tượng như: Trung tâm thương mại Aeon Mall Tân Phú (TP HCM); Khu liên hợp Tập đoàn ManWah (Bình Dương), Khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng), Cầu dây văng sông Hiếu (Quảng Trị)… Sản phẩm thép VAS còn tự hào mang hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp năm châu từ Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cuba, Thuỵ Sỹ, Guatemala…
Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, Thanh Hóa hiện là “thủ phủ” của cả nước với năng lực sản xuất và ưu thế chất lượng vượt trội. Các thương hiệu xi măng Bỉm Sơn, xi măng Long Sơn, xi măng Nghi Sơn, xi măng Đại Dương luôn được khách hàng đánh giá cao và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Trong quý I năm nay, mặc dù tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn nhưng sản lượng xi măng của Thanh Hóa vẫn đạt hơn 4,2 triệu tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ, phản ánh tín hiệu tích cực và khả năng cạnh tranh của sản phẩm xi măng Thanh Hóa.
Tại Công ty TNHH Xi măng Long Sơn (Bỉm Sơn), với mong muốn cung cấp ra thị trường những chủng loại xi măng tốt nhất, Nhà máy Xi măng Long Sơn với 4 dây chuyền đồng bộ, tổng công suất hơn 10 triệu tấn/năm luôn nỗ lực nâng cao chất lượng, đồng thời quan tâm đến các tiêu chí sản xuất xi măng xanh, hướng tới giá trị bền vững.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Long Sơn Lê Tiến Dũng chia sẻ: “Chúng tôi xác định thương hiệu là yếu tố hàng đầu, là chìa khóa tạo niềm tin với khách hàng. Không chỉ quan tâm hiện đại hóa quy trình sản xuất nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, xi măng Long Sơn còn chú trọng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu bao bì mẫu mã để người tiêu dùng dễ nhận diện. Cùng với đó, thương hiệu Long Sơn cũng luôn quan tâm đảm bảo yếu tố môi trường xanh, sạch trong sản xuất và tích cực đồng hành với các hoạt động an sinh xã hội, XDNTM tại địa phương”.
Trong lĩnh vực dịch vụ, có thể kể đến thương hiệu Hợp Lực. Sau 25 năm hình thành và phát triển, Tổng Công ty CP Hợp Lực đã tạo dấu ấn trên thương trường ở nhiều lĩnh vực. Riêng với lĩnh vực y tế, Hợp Lực hiện là một trong những đơn vị tiên phong, dẫn đầu cả nước và thành công với hệ sinh thái 2 bệnh viện đa khoa lớn nhất khu vực Bắc miền Trung; đồng thời trở thành đơn vị duy nhất được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là bệnh viện tư nhân sở hữu quy mô giường bệnh lớn nhất Việt Nam năm 2020. Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, DN luôn cập nhật, bổ sung các trang thiết bị tiên tiến bậc nhất thế giới và chú trọng tới công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ y tế ngày càng cao cho Nhân dân.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Hợp Lực Nguyễn Văn Thành chia sẻ: “Hợp lực xây dựng thương hiệu dựa trên yếu tố cốt lõi là chữ “tín” với khách hàng. Chúng tôi coi việc xây dựng và giữ chữ “tín” như tính mạng của chính mình. Cùng với việc tìm hiểu, đầu tư, tiếp nhận công nghệ tiên tiến được chuyển giao, chúng tôi hướng tới việc đào tạo đội ngũ lao động luôn trách nhiệm, chỉn chu từ những việc làm nhỏ nhất. Chính những điều này đã giúp chúng tôi có được niềm tin với đối tác, khách hàng để đẩy mạnh hợp tác quốc tế và có được niềm tin của khách hàng”.
Thanh Hóa hiện có hơn 21.000 DN đang hoạt động. Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu là “chìa khóa” của thành công, các DN trong tỉnh đang tập trung xây dựng những giá trị cốt lõi như: Chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ, chiến lược truyền thông; xây dựng hình ảnh của DN thông qua trách nhiệm với cộng đồng. Tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai và ban hành các chính sách, giải pháp để hỗ trợ DN trong đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa; đưa sản phẩm quảng bá tại các hội chợ xúc tiến thương mại để cất cánh vươn xa. Nhờ vậy, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của DN tỉnh Thanh Hóa ngày càng hiện diện tại nhiều thị trường trong nước và quốc tế, được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao.
Bài và ảnh: Minh Hằng