Trong khó khăn chung hiện nay do thiếu hụt đơn hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những giải pháp linh hoạt, thích ứng với điều kiện thực tiễn.
Công ty TNHH may xuất khẩu Vạn Lợi, xã Thăng Long (Nông Cống) duy trì việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động, với mức lương dao động từ 6,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Những ngày này 600 công nhân may của Công ty TNHH SOTO, xã Tiên Trang (Quảng Xương) vẫn miệt mài làm việc để kịp cho các đơn hàng xuất khẩu. Giám đốc công ty Phạm Đình Hải cho biết: Hàng may mặc do đơn vị gia công đều được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực gia công các hàng may mặc xuất khẩu, công ty luôn lấy chữ tín làm đầu, sản phẩm đảm bảo chất lượng, giao hàng đúng hẹn nên đã xây dựng được mối quan hệ tốt và lâu năm với khách hàng. Vì vậy, dù thời điểm hiện nay nhiều doanh nghiệp may đang gặp khó do thiếu, thậm chí không có đơn hàng, nhưng đối với công ty các hợp đồng không bị sụt giảm. Ngược lại, công ty đã ký được nhiều đơn hàng đảm bảo cho người lao động có việc làm kéo dài đến hết tháng 8-2024. Tuy nhiên, do giá đơn hàng giảm tới 30% so với trước nên dù hàng xuất khẩu trong 6 tháng qua (tính từ tháng 4 đến hết tháng 9-2023) đạt 10 triệu USD nhưng lợi nhuận lại giảm so với cùng kỳ. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân, dù tăng ca nhưng mức lương chỉ đạt từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn so với trước từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH may xuất khẩu Vạn Lợi, xã Thăng Long (Nông Cống) tiền thân là Công ty CP may Vạn Lợi vừa đi vào hoạt động từ tháng 4-2023. Phó giám đốc công ty Du-xing-ru cho biết: Các sản phẩm của công ty gồm quần nữ, áo sơ mi, áo khoác nam, nữ, áo phông… phục vụ thị trường xuất khẩu. Từ khi tiếp nhận, bàn giao từ Công ty CP may Vạn Lợi, doanh nghiệp đã chuyển hướng từ thị trường truyền thống là Mỹ, Hàn Quốc sang thị trường Nhật Bản. Các đơn hàng ký với đối tác luôn đạt 8 tỷ đồng/tháng. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động, với mức thu nhập dao động từ 6,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp khác như Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn, Công ty TNHH may Huệ Anh, Chi nhánh TCT May 10 Thanh Hóa… cũng đã chủ động, linh hoạt tìm giải pháp ứng phó, ưu tiên tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường mới, đồng thời, tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để bảo đảm duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.
Được biết, Thanh Hóa hiện có khoảng 287 doanh nghiệp may mặc. Các doanh nghiệp may mặc trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh. Những năm trước, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 và biến động kinh tế toàn cầu, sản lượng sản phẩm dệt may vẫn đạt mức tăng bình quân 12,6%/năm.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa Trịnh Xuân Lâm cho biết: Trong khó khăn chung của các doanh nghiệp may mặc hiện nay đó là tình trạng thiếu hụt đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập của người lao động. Các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa đang nỗ lực thích ứng trước những thách thức từ thị trường. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp không còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà bắt đầu chuyển dịch sang Nga và các nước Trung Đông. Đồng thời, tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn và chấp nhận đơn hàng giảm từ 30 đến 40% để bảo đảm duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Nhờ đó, dù chỉ còn 70% doanh nghiệp duy trì sản xuất nhưng các doanh nghiệp này vẫn đóng góp, đưa ngành dệt may Thanh Hóa 9 tháng năm 2023 đạt 90% kế hoạch.
“Với nỗ lực này, hy vọng bước sang năm 2024 chúng tôi sẽ bứt phá lấy lại đà tăng trưởng, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng công nghiệp của tỉnh”, ông Lâm nói.
Bài và ảnh: Minh Lý