Không nằm ngoài ảnh hưởng do mưa bão gây ra trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng bị gián đoạn. Để đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2024, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường khách, nâng cao chất lượng dịch vụ và hình thành chuỗi sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách.
Doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa tham gia khảo sát, kết nối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại tỉnh Lào Cai.
Đối với doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa, thị trường khách bốn mùa hiện vẫn là các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa bão, việc trao đổi khách giữa Thanh Hóa với các địa phương như TP Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Ninh… bị gián đoạn. Thêm vào đó, một số tỉnh phía Bắc cần có thời gian để khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là hệ thống giao thông và cơ sở vật chất. Bởi vậy, không chỉ mục tiêu kinh doanh trong tháng 9, mà đến thời điểm này hoạt động du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Giám đốc Công ty TNHH Trust Việt (TP Thanh Hóa), ông Vũ Văn Bình cho biết: “Theo khảo sát, tệp khách hàng của chúng tôi có tới 40% sẵn sàng đi du lịch từ tháng 9- 12. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa bão nên KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) tháng 9 không thể đạt. Chính vì vậy, doanh nghiệp lữ hành nói riêng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nói chung còn rất ít thời gian để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2024”.
Cũng theo ông Vũ Văn Bình, đối với các doanh nghiệp lữ hành, từ nay đến cuối tháng 11 là giai đoạn tăng tốc về đích. Bởi, tháng 12 các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh và tổ chức tổng kết nên lượng khách đi du lịch rất ít. Thêm vào đó, thời điểm này các doanh nghiệp lữ hành cũng dành thời gian xây dựng tour du lịch và ký kết hợp đồng cho năm 2025.
Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh những tháng cuối năm, mới đây Chi hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch tỉnh), Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa đã nhanh chóng tổ chức các chương trình famtrip, khảo sát chất lượng dịch vụ tại một số trọng điểm du lịch trong nước và quốc tế. Qua đó nhằm nắm bắt cụ thể thực trạng hệ thống giao thông kết nối giữa các tour, tuyến; đồng thời khảo sát, đánh giá lại chất lượng, dịch vụ của các đơn vị cung cấp để tư vấn, xây dựng lịch trình phù hợp sau ảnh hưởng của mưa bão, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa Phạm Tiến Hải cho biết: “Mới đây (từ ngày 8 – 10/10) chúng tôi đã tổ chức chương trình famtrip khảo sát các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại tỉnh Lào Cai, với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp hội viên. Đây là một trong những thị trường du lịch trọng điểm đối với doanh nghiệp lữ hành Thanh Hóa trong những tháng cuối năm. Thông qua chương trình khảo sát, chúng tôi đã có những trao đổi cụ thể nhằm tăng cường kết nối 2 chiều Thanh Hóa – Lào Cai, đồng thời nắm bắt cụ thể về tình hình giao thông, dịch vụ để xây dựng lại lộ trình tour phù hợp”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa cũng cho rằng, thời điểm “nước rút” như hiện nay, các doanh nghiệp đã, đang tập trung khai thác thị trường khách truyền thống. Bên cạnh đó, chú trọng gia tăng giá trị dịch vụ, hình thành các chuỗi giá trị mới, hấp dẫn. Chính vì vậy, Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa luôn bám sát tình hình thực tế và xu hướng du lịch để định hướng đúng, giúp doanh nghiệp hội viên chủ động đưa ra hướng tiếp cận thị trường phù hợp, mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất.
Việc khai thác nguồn khách gặp khó khăn đã dẫn đến lượng khách đến Thanh Hóa cũng bị hạn chế. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng trên địa bàn tỉnh đã tận dụng thời điểm này để tập trung đầu tư về công nghệ, đào tạo nhân lực và chỉnh trang cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, một số khu nghỉ dưỡng tại TP Sầm Sơn, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, Bá Thước… đã chủ động làm mới sản phẩm hiện có, giảm giá dịch vụ nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng mục tiêu kinh doanh. Trong đó, các khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) hiện đang tập trung mở rộng khai thác thị trường khách du lịch quốc tế trong đợt cao điểm cuối năm. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cũng tích cực liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tổ chức các chương trình du lịch tri ân dịp cuối năm, chương trình MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) dành cho các đoàn lớn…
Theo ông Lê Xuân Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, để hoàn thành xuất sắc mục tiêu đã đề ra, doanh nghiệp cần đổi mới cách tiếp cận thị trường, xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ. Lượng khách không lớn, song đây cần được xem là thuận lợi các doanh nghiệp triển khai các giải pháp để tối ưu hóa chất lượng dịch vụ. Thời điểm này, ngoài việc đẩy mạnh tiếp thị trên OTA (Online Travel Agent – đại lý du lịch trực tuyến), doanh nghiệp du lịch nên tính toán đến việc xây dựng các kênh tương tác chủ động, đẩy mạnh kết nối đến các thị trường khách truyền thống. Đối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần kích hoạt liên minh kích cầu du lịch, cùng nỗ lực làm mới sản phẩm hiện có và gia tăng trải nghiệm cuối năm với chi phí hợp lý. Cùng với đó, cần quan tâm phát triển sản phẩm du lịch đêm, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe nhằm khai thác tối đa dịch vụ sẵn có.
Có thể nói, cùng với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng, làm mới và phát triển mới các sản phẩm du lịch…; thiết nghĩ, các doanh nghiệp cần nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch ở một số thị trường nước ngoài có nhiều tiềm năng, triển vọng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường… Có như vậy mới có thể bứt tốc hoàn thành xuất sắc mục tiêu kinh doanh năm 2024.
Bài và ảnh: Hoài Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep-du-lich-no-luc-but-toc-227957.htm