Đơn hàng quần áo thời trang đang được doanh nghiệp dệt may này gấp rút hoàn thiện để kịp tiến độ cho các đối tác đến từ thị trường Mỹ.
Nhờ đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp đã gia tăng gần 30% đơn đặt hàng ngay từ đầu quý II, đưa công suất nhà máy lên 100%.
Ông Nguyễn Văn Đô, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty DehanGlobal, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hàng hóa hiện nay chúng tôi đã ký hợp đông đến tháng 8/2024, hàng không thiếu và những tháng sau đó không thiếu. Đó cũng là niềm vui của doanh nghiệp và chúng tôi an tâm vì điều đó. Bây giờ chỉ nghĩ làm sao để tăng năng suất thôi. Đơn giá khéo đàm phán tăng so với năm ngoái 10%”.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 300 doanh nghiệp sản xuất trong ngành dệt may. Quý 1/2024, ngành dệt may Thanh Hoá đã xuất khẩu được hơn 91,3 triệu sản phẩm, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh những tín hiệu tích cực do nhu cầu thị trường tăng, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa đã chủ động, linh hoạt để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Ông Kimura Masanori, Trợ lý Phó Tổng giám đốc Công ty Sakurai Việt Nam cho biết: “Hiện công ty chúng tôi đã có đơn hàng đảm bảo cho 12.000 công nhân sản xuất đến hết năm 2024, chúng tôi còn mở rộng và đưa vào hoạt động thêm nhà máy tại khu công nghiệp Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa để đảm bảo các đơn hàng với chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, đáp ứng về tiến độ cho các đối tác”.
Hiệp hội dệt may Thanh Hóa nhận định, dù có những tín hiệu tích cực về đơn hàng, nhưng trong quý 2 và thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may vẫn phải đối mặt với khó khăn do biến động từ thị trường, chi phí vận chuyển tăng cao.
Vì vậy, để đạt mục tiêu xuất khẩu gần 360 triệu sản phẩm trong năm 2024, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa cần nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường nhập khẩu.
Nguồn: Bản tin Thời sự 18h ngày 29/4/2024