Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, Trà Vinh đã tham gia thảo luận tại tổ để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và một số nội dung quan trong khác.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ.
Các ĐBQH cho rằng, năm 2023 nói riêng và nửa nhiệm kỳ nói chung, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội chưa từng có tiền lệ; những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức là nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, ứng phó hiệu quả, linh hoạt với những khó khăn, diễn biến phức tạp của tình hình. Qua đó, đất nước ta vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, đáng mừng trên nhiều lĩnh vực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phát biểu ý kiến tại tổ.
Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam bày tỏ sự nhất trí với 12 nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Đại tướng Lương Cường cũng nhấn mạnh tới việc tập trung thực hiện 3 khâu đột phá về: Thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng; đồng thời cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách triệt để và phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp, các ngành trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
ĐBQH Đào Ngọc Dung phát biểu ý kiến tại tổ.
ĐBQH Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu quan điểm, đi cùng với cải cách tiền lương khu vực công thì phải cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như điều chỉnh phù hợp lương với đối tượng hưu trí và các đối tượng khác. Đề nghị Quốc hội sớm có một chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
ĐBQH Vũ Xuân Hùng phát biểu ý kiến tại tổ.
Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc. Để thúc đẩy kinh tế phát triển thì quan trọng nhất là phải có các nghị quyết, cơ chế đặc thù; đồng thời phải giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội…
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 trong điều kiện khó khăn, thách thức lớn. ĐBQH Lại Thế Nguyên cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, khó khăn đặt ra mà Quốc hội, Chính phủ cần sớm có phương án khắc phục, trong đó, cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách đặc thù.
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại tổ.
Theo ĐBQH Lại Thế Nguyên, Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp đã đánh giá một cách đầy đủ, khách quan tình hình kinh tế – xã hội năm 2023, những kết quả đạt được và những tồn tại, khó khăn, thách thức. Có thể khẳng định, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song nhìn chung bức tranh nền kinh tế của đất nước có nhiều gam màu sáng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,24%. Kết quả đó có được là sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự ủng hộ tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
ĐBQH Lại Thế Nguyên đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt và sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của chính sách do vướng về thể chế đã được Chính phủ lắng nghe, tháo gỡ kịp thời. Điển hình như: Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị quyết 73/NQ-CP, ngày 31/8/2023 tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, để thực hiện dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
ĐBQH Lại Thế Nguyên cũng đánh giá cao tinh thần quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ trong việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ triển khai các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước, nhất là tuyến cao tốc Bắc – Nam, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong thực tế phát triển kinh tế – xã hội ở các ngành, địa phương còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cần tháo gỡ kịp thời. Điển hình như: tiến độ đầu tư công chậm; một số địa phương do thiếu đất san lấp; giá vật liệu, nhất là vật liệu san lấp thực tế cao hơn giá dự toán nên nhà thầu đã thi công cầm chừng cũng vì thua lỗ; việc thi công các công trình trọng điểm (tuyến cao tốc Bắc – Nam) làm hư hỏng, xuống cấp các tuyến đường giao thông của địa phương nhưng Ban quản lý dự án chậm bố trí kinh phí sửa chữa, đầu tư… nên cử tri bức xúc, tập trung đông người, khiếu kiện; một số sản phẩm công nghiệp tiêu thụ chậm, doanh nghiệp gặp khó khăn, ví như các nhà máy xi măng; vấn đề thiếu giáo viên tại các địa phương cũng được cử tri quan tâm. Vấn đề sắp xếp cán bộ, công chức xã sau sáp nhập xã giai đoạn 2019- 2021 đến nay còn khó khăn…
Tại phiên thảo luận, ĐBQH Lại Thế Nguyên thống nhất 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ, trong đó đề nghị Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ kịp thời những chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật, để người thực thi hiểu rõ, làm không sợ và bảo vệ được mình. Tỉnh Thanh Hóa được Quốc hội thông qua Nghị quyết 37 về chính sách đặc thù từ tháng 11/2021. Đến nay, đã qua 2 năm nhưng một số cơ chế, chính sách vẫn chưa thể triển khai, như cơ chế về để lại số tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Do đó, đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu Chính phủ ban hành văn bản hưởng dẫn để Thanh Hóa sớm được thụ hưởng chính sách.
Quốc Hương