Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23/11, Tổ 18 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam và Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ.
Tham gia góp ý về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án luật. Đồng thời cho rằng, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu).
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại buổi thảo luận tổ.
Đồng thời nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tương xứng với nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế Nhà nước nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế – xã hội.
ĐBQH Cao Mạnh Linh tham gia phát biểu tại tổ.
Tham gia góp ý, ĐBQH Cao Mạnh Linh (Đoàn ĐBQH Thanh Hoá), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) để khắc phục một số bất cập trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua. Đồng thời đề nghị cần cân nhắc thêm về phạm vi, đối tượng áp dụng góp vốn của doanh nghiệp; cần tính toán lại việc quản lý giám sát đối với hoạt động doanh nghiệp nhà nước và các khoản vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp. Cơ quan chủ trì thay vì phải tham gia ý kiến chỉ đạo quá nhiều nội dung hoạt động đầu tư của doanh nghiệp thì nên tập trung cho ý kiến đối với điều lệ tổ chức hoạt động, chiến lược và quy chế tài chính của doanh nghiệp, đồng thời tập trung vào giao chỉ tiêu, đánh giá từ lợi nhuận, tài chính, sự đổi mới phát triển, mục tiêu kinh tế – xã hội của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, chủ sở hữu thực hiện giám sát, đánh giá kết quả thực hiện với chỉ tiêu đã giao và có ý kiến chỉ đạo về việc phân phối lợi nhuận sau kết thúc năm tài chính, đồng thời cần hạn chế mức đối đa việc chủ sở hữu phải phê duyệt chủ trương, có ý kiến chỉ đạo hoạt động đầu tư góp vốn mua cổ phần, hợp đồng chuyển nhượng dự án…
Tham gia góp ý về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các ĐBQH cho rằng, việc ban hành Luật rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, toàn diện của đất nước ta.
Cùng với việc bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự án luật, các đại biểu đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số; các ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; sản phẩm công nghiệp công nghệ số trọng điểm, trọng yếu, thiết bị bán dẫn; các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; vấn đề hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số; kinh doanh dịch vụ công nghệ số; tài sản số… vào dự án luật.
Quốc Hương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-tham-gia-gop-y-vao-cac-du-an-luat-231200.htm