Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, tổ 18 gồm 3 đoàn: Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam và Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đã thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ.
Tham gia góp ý, các ĐBQH cơ bản tán thành về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Đồng thời cho rằng, mục tiêu tổng quát của Chương trình là nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy.
ĐBQH Cao Thị Xuân tham gia phát biểu ý kiến.
Tham gia góp ý, ĐBQH Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết ban hành chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Đồng thời cho rằng, cử tri và Nhân dân luôn ủng hộ công tác phòng, chống và xử lý tội phạm về ma tuý; số người nghiện ma túy trong hồ sơ quản lý hiện nay là hơn 200.000 người, tuy nhiên trên thực tế con số nay lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt, tệ nạn ma tuý tiếp tục dai dẳng với những hệ huỵ liên quan đến người nghiện rất lâu dài mà không thể giải quyết dứt điểm trọng thời gian ngắn. Do đó, việc chủ trương đầu tư Chương trình cần đánh giá và nhấn mạnh về công tác phòng, chống ma tuý; những tác hại của ma túy ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Việc quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy cần xác định chương trình trọng tâm về các điểm nghẽn lớn đối với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, điều kiện cần thiết tối thiểu trong công tác phòng chống ma tuý và cai nghiện ma tuý. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là tập trung xử lý, nâng cấp trang thiết bị cho các trung tâm cai nghiện ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước; đồng thời tập trung xây dựng các thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm để phục vụ công tác quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma tuý và những người nghiện ma tuý. Bổ sung trang thiết bị cần thiết cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý và các cơ sở y tế để xác định tình trạng nghiện.
Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành các dự án luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.
BQH Mai Văn Hải tham gia phát biểu ý kiến.
Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần làm rõ sự cần thiết việc thành lập hội đồng thẩm định thẩm định quảng cáo. Đồng thời làm rõ chức năng, nhiệm vụ của hội đồng thẩm định đến đâu. Cần quy định trách nhiệm chung của các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực liên quan đến sản phẩm quảng cáo. Cần quy định cụ thể trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Dụ lịch, chính quyền cấp huyện, cấp xã trong hoạt động quảng cáo. Nội dung quảng cáo phải đúng và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng; cần có quy định cụ thể đối việc quảng cáo ngoài trời, trong đó phải phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017…
ĐBQH Phạm Thị Xuân tham gia phát biểu ý kiến.
Tham gia góp ý, ĐBQH Phạm Thị Xuân, công chức Huyện ủy Quan Hóa (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đồng thời cho rằng tại điểm b, khoản 1, điều 1 quy định về bổ sung khoản 15 vào sau khoản 14 điều 2 Luật quảng cáo. Tuy nhiên điều 2 của Luật quảng cáo hiện hành chỉ bao gồm 13 khoản, do đó cần xem xét điều chỉnh lại nội dung này.
Tại khoản 3 điều 15a quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thể hiện khi quảng cáo trên mạng xã hội cùng với hoạt động khác thì phải tự đưa ra dấu hiệu hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp để phân biệt nội dung quảng cáo với nội dung thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường. Đồng thời tại khoản 11, điều 1 về sửa đổi, bổ sung điều 23 tại điểm d, khoản 2, điều 23 quy định về quảng cáo trên mạng là người sử dụng mạng xã hội phải đưa ra tuyên bố hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp để phân biệt nội dung thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường với nội dung có mục đích quảng cáo hoặc được tài trợ. Tuy nhiên theo các quy định nêu trên thì quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và quy định về quảng cáo trên mạng có nội dung tương đối trùng lặp, do đó đề nghị xem xét, điều chỉnh tại các khoản này theo hướng lược bỏ bớt hoặc dẫn chiếu, áp dụng thực hiện; đồng thời quy định thống nhất việc tự đưa ra dấu hiệu hoặc đưa ra tuyên bố đối với việc quảng cáo trên mạng xã hội nhằm thuận tiện cho quá trình triển khai thực hiện…
Quốc Hương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-tan-thanh-voi-chu-truong-dau-tu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phong-chong-ma-tuy-den-nam-2030-229850.htm