Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 31/10, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì thảo luận tại tổ, gồm 3 đoàn: Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam và Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh để thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng; việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chủ trì thảo luận tại tổ.
Tham gia góp ý việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, các ĐBQH cơ bản tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế với các lý do cũng như cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
ĐBQH Lê Thanh Hoàn phát biểu ý kiến tại tổ.
Các đại biểu cho rằng, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đại biểu cũng cho rằng, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, kết luận quan trọng khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
ĐBQH Mai Văn Hải phát biểu ý kiến tại tổ.
Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tán thành việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương; đồng thời đề nghị dự thảo Nghị quyết cần làm rõ hơn mô hình chính quyền đô thị ở TP Huế đối với quận, phường là có HĐND hay không có HĐND, để khi triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức bộ máy được thuận lợi hơn. Trong Nghị quyết cũng xem xét giao cho TP Huế tiếp tục nghiên cứu để có rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch TP Huế cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời nên giao cho TP Huế có phương án để giải quyết những vấn đề nảy sinh, đặc biệt là vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính của người dân sau khi được công nhận TP Huế trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, nên giao cho TP Huế phương án để giải quyết, sắp xếp đối với cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp lại một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đồng thời cũng cần có phương án để giải quyết tài sản dôi dư sau khi sáp nhập.
ĐBQH Cao Thị Xuân phát biểu ý kiến tại tổ.
ĐBQH Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị cần quy định rõ hơn về mô hình chính quyền đô thị của TP Huế; trong đó cần giải trình rõ hơn vấn đề khi HĐND lên quận, HĐND lên phường, bởi vì nó liên quan đến việc sắp xếp cán bộ ngay sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết. Cần xem xét việc chịu tác động đối với các chính sách, chế độ đối với huyện Nam Đông và huyện A Lưới sau khi sáp nhập với các đơn vị khác…
Tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, các ĐBQH cơ bản tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết; đồng thời cũng góp ý, bổ sung một số nội dung về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị; cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập…
ĐBQH Vũ Xuân Hùng phát biểu ý kiến tại tổ.
Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải cho rằng, tại Điều 2 quy định về nhiệm vụ HĐND TP Hải Phòng, trong đó tại điểm b, khoản 1 có quy định giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường thuộc quận. Tuy nhiên quy định về giám sát hoạt động là chưa đầy đủ; do đó trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của HĐND TP Hải Phòng qua nhiệm vụ giám sát việc thực hiện Hiến pháp, chính sách pháp luật đối với TP Thủy Nguyên.
Nên quy định lại khi miễn nhiệm và bãi nhiệm Hội thẩm Nhân dân, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban MTTQ, sau khi Ủy ban MTTQ đã thống nhất với Chánh án Toà án Nhân dân quận. Cần quy định cụ thể các ban HĐND TP Hải Phòng; trong đó nên nghiên cứu trưởng ban chuyên trách…
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu kết luận tại tổ.
Phát biểu kết luận tại tổ, ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các ý kiến của các ĐBQH đều thống nhất cao với các Tờ trình của Chính phủ gửi đến Quốc hội. Các ý kiến là xác đáng, xuất phát từ tình hình thực tiễn của từng địa phương. Đây là cơ sở để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết và đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị thư ký hội nghị tập hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH để chuyển đến các cơ quan chủ trì soạn thảo theo quy định.
Quốc Hương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-tan-thanh-nbsp-viec-thanh-lap-tp-hue-truc-thuoc-trung-uong-va-nbsp-nghi-quyet-ve-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-tai-tp-hai-phong-nbsp-229128.htm