Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 11/8, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, Trà Vinh đã thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Tham gia góp ý về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các ĐBQH thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành luật, điều này cũng thể hiện quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.
Các đại biểu cũng đã góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực, như: Sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi của luật; vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh; chính sách cho người lao động trong cơ sở doanh nghiệp quốc phòng…
Tham gia góp ý, ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đã nêu lên sự cần thiết phải ban hành luật; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đặt trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia; đồng thời huy động tối đa nguồn lực đất nước để công nghiệp quốc phòng, an ninh phải là mũi nhọn trong nền công nghiệp quốc gia.
ĐBQH Vũ Xuân Hùng cho rằng, về bảo đảm nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Mục 3) đây là vấn đề then chốt trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Hiện nay đã được định hướng trong các chủ trương của Đảng, trong đó một số nội dung đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn thấp; công tác huy động xã hội hóa nguồn lực chưa khả thi kể cả đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, khoa học – công nghệ trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Vì vậy, dự án Luật cần nghiên cứu hoàn thiện quy định nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Trong đó, quy định phải mang tính đặc thù và có quy định về nguồn vốn chuyên biệt về mua sắm, trang bị vũ khí…
Về giải thích từ ngữ của dự án Luật, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần thêm cụm từ “nguồn vốn chuyên biệt” và làm rõ “nguồn vốn chuyên biệt” lấy từ đâu. Đồng thời làm rõ cơ chế đặc biệt để triển khai thực hiện và thanh, quyết toán các nội dung không thể thực hiện được khi áp dụng các quy định hiện hành, như: Mua các tài liệu về thiết kế; bí quyết về công nghệ.
Theo đại biểu Mai Văn Hải, Dự án Luật cũng cần làm rõ về quy định ngân sách địa phương trong việc hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đồng thời, cần làm rõ quy định cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc tổ chức Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Cần quy định cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp quốc phòng; dự án Luật cũng cần có quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Tham gia góp ý về dự án Luật Đấu giá tài sản, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án Luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật; sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật để khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2014.
Quốc Hương