Nhằm tăng sức hút điểm đến, các địa phương, khu, điểm du lịch cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã đẩy mạnh phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết nhằm phát triển tour, tuyến du lịch mới. Tuy nhiên, để tour du lịch thực sự trở nên hấp dẫn, vai trò định hướng, tư vấn của các đơn vị lữ hành là rất quan trọng.
Vietravel chi nhánh Thanh Hóa thường xuyên trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác định hướng, tư vấn tour du lịch cho khách hàng.
Bắt nguồn từ slogan “Nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp”, hoạt động tư vấn, định hướng tour du lịch đến khách hàng được Vietravel chi nhánh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng. Bởi, một hành trình tham quan thú vị, hấp dẫn chắc chắn sẽ làm hài lòng cả khách hàng khó tính nhất. Theo đó, Vietravel chi nhánh Thanh Hóa đã nỗ lực nghiên cứu, khảo sát thị trường, xây dựng đa dạng sản phẩm tour du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách và bắt kịp xu hướng. Trong năm 2023, Vietravel chi nhánh Thanh Hóa là một trong những đơn vị lữ hành tiêu biểu trong việc đẩy mạnh khai thác dòng tour nội tỉnh. Cụ thể, chùm tour “Khám phá xứ Thanh” đã, đang được đông đảo du khách lựa chọn và đánh giá cao bởi hành trình hợp lý, điểm đến hấp dẫn.
Giám đốc Vietravel chi nhánh Thanh Hóa Trần Thị Nga, cho biết: “Cùng với các đơn vị lữ hành khác, trong thời gian gần đây chúng tôi tích cực tham gia vào các hoạt động khảo sát, kết nối du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa tổ chức. Thông qua hoạt động khảo sát, không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng các tour du lịch mới, hấp dẫn mà còn đánh giá được thực trạng, chất lượng dịch vụ, điểm đến để định hướng, tư vấn chính xác cho khách hàng. Đối với chùm tour “Khám phá xứ Thanh” được chúng tôi nghiên cứu xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng, hành trình kéo dài từ 1 đến 3 ngày, với mức giá từ 450 nghìn đồng đến 3,49 triệu đồng/khách, phù hợp với cả nhóm khách lẻ và khách đoàn”.
Cũng theo bà Trần Thị Nga: “Công nghệ thông tin ngày càng phát triển nên du khách ngày càng chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin. Thế nhưng, vì sao du khách vẫn lựa chọn đi du lịch thông qua các đơn vị lữ hành? Bởi ở đó họ được định hướng đúng nhu cầu và tư vấn trúng điểm đến, dịch vụ phù hợp. Và, tour du lịch chỉ trở nên hấp dẫn khi phù hợp với kinh tế, nhu cầu, thị hiếu của du khách. Đặc biệt trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu như năm vừa qua, du khách đi theo nhóm khách lẻ và du lịch ngắn ngày dần trở thành xu hướng. Thế nhưng, nếu vì mục tiêu lợi nhuận, đơn vị lữ hành lại tập trung tư vấn cho khách tour du lịch dài ngày hoặc du lịch nước ngoài, đơn vị có thể vẫn chốt được tour, song tâm lý khách không thoải mái thì có nghĩa chuyến đi chưa thực sự thành công. Về lâu dài, điều này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu và thậm chí là cả giá trị điểm đến”.
Ngoài các yếu tố về giá cả, dịch vụ, điểm đến phù hợp với từng dòng khách cũng được các đơn vị lữ hành quan tâm. Theo khảo sát, đối với du lịch nội tỉnh, các điểm đến văn hóa lịch sử chủ yếu thu hút dòng khách trung niên, khách chuyên gia; du lịch mạo hiểm, trải nghiệm phù hợp với nhóm khách trẻ; du lịch nghỉ dưỡng biển phù hợp với nhóm khách gia đình, khách đoàn, khách chuyên gia; du lịch sinh thái cộng đồng phù hợp với nhóm khách trẻ, khách quốc tế… Mặc dù vẫn có sự thay đổi linh hoạt, song hầu hết các doanh nghiệp đều dựa trên những yếu tố chung để tiếp cận thị trường hiệu quả nhất.
Nhằm giúp các doanh nghiệp định vị chính xác hơn về điểm đến, chất lượng dịch vụ, từ đó xây dựng và tư vấn tour du lịch hợp lý đến khách hàng của mình, những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh tổ chức các chương trình famtrip. Tuy vậy, theo ông Vũ Văn Bình, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch tỉnh): “Mục đích của các chương trình famtrip là để doanh nghiệp lữ hành làm quen với các sản phẩm du lịch, từ đó đánh giá khả năng kết nối, dịch vụ du lịch xem phù hợp với khách hàng của họ hay không. Các khu, điểm cũng không nên kỳ vọng quá nhiều rằng hầu hết các đơn vị được mời tham gia khảo sát sẽ đưa khách về với các điểm của mình, chỉ cần 15 – 20% trong số đó họ chào bán tour và đưa khách đến Thanh Hóa là đã thành công. Đối với các lịch trình khảo sát cũng cần có sự linh hoạt, đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm, điểm đến mới để doanh nghiệp lữ hành có thêm lựa chọn. Mặt khác, cần nắm được nhu cầu, tiềm năng của các đơn vị tham gia khảo sát để tăng tối đa hiệu quả hoạt động famtrip”.
Thực tế trên địa bàn tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều có quy mô vừa và nhỏ. Trong khi đó, nguồn nhân lực du lịch bị cắt giảm khá lớn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đến nay, không phải đơn vị nào cũng có bộ phận khảo sát, phân tích, đánh giá thị trường, thậm chí một số doanh nghiệp lữ hành không có bộ phận thiết kế tour du lịch. Do đó, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp lữ hành tham gia vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, chú trọng hơn nữa nghiệp vụ quảng bá, xúc tiến, chăm sóc khách hàng để dịch vụ lữ hành của tỉnh phát triển ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả trong tình hình mới.
Bài và ảnh: H.A