Sau năm ngày chiến đấu, đợt tiến công thứ hai của quân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Ở phía Đông ta đã chiếm được bốn ngọn đồi hiểm yếu.
Về phía địch, như sau này các tướng lĩnh Pháp nhận xét, chúng đã chịu “những tổn thất rất cao”. Trong cuốn Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, phần viết về “trận giao chiến trên năm quả đồi” tác giá Y.Gras cho rằng: “Sự chỉ đạo trận đánh của phía Pháp đã bị chi phối bởi mối lo âu là làm sao để hạn chế những tổn thất khó bù đắp. Một tiểu đoàn lê dương và quân dù ở vị trí trung tâm chỉ còn 300 người. Pháo binh chỉ còn đủ đạn cho một đêm chiến đấu… Một sự tạm nghỉ đã trở nên cần thiết và người Pháp lại nảy sinh hy vọng cứu vãn Điện Biên Phủ…”.
Theo nhận xét chủ quan của họ, phía Pháp cho rằng họ có cơ sở để hy vọng tránh cho Tập đoàn cứ điểm khỏi bị tiêu diệt. Sau khi được tăng viện thêm hai tiểu đoàn, địch còn trên một vạn quân trong 30 vị trí trên cánh đồng. Chúng cố gắng giữ khu vực phòng ngự then chốt còn lại, gồm A1 và một phần C1 sau khi đã phản kích chiếm lại một phần cứ điểm này. Sau khi được tiếp tế thêm, hỏa lực pháo binh của chúng vẫn còn khá mạnh và hoạt động ráo riết. Địch vẫn giữ ưu thế tuyệt đối về không quân. Mặc dù ta đã cố gắng hạn chế việc tiếp viện bằng máy bay, buộc địch phải thả dù ở độ cao lớn.
Về phía ta: Ở phía Bắc, Đại đoàn 312 sử dụng Trung đoàn 165 bắt đầu tiến công cứ điểm 105 vào chiều 3-4. Cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng, ta chiếm được hai phần ba cứ điểm và chỉ tiêu diệt được một bộ phận địch. Khi trời sáng, Đờ Cát tung một tiểu đoàn cùng 5 xe tăng ra phản kích chiếm toàn bộ cứ điểm 105.
Sau năm ngày chiến đấu, đợt tiến công thứ hai của quân ta đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Ở phía Đông ta đã chiếm được bốn ngọn đồi hiểm yếu, nhưng địch vẫn giữ được điểm cao A1. Ở phía Tây ta chiếm thêm được điểm cao 106. Phạm vi chiếm đóng của địch vì thế bị thu hẹp lại nhiều và lực lượng của chúng cũng bị tổn thất lớn, trong đó đã có thêm ba tiểu đoàn thiện chiến của chúng bị tiêu diệt. Nhưng ta chưa hoàn thành được tất cả các mục tiêu đề ra, đặc biệt là chưa chiếm được cứ điểm A1.
Nhận thấy trận đánh cứ điểm A1 gặp khó khăn. Bộ Chỉ huy chiến dịch trao đổi ý kiến và quyết định điều đơn vị khác lên thay thế, tiếp tục thực hiện quyết tâm tiêu diệt cứ điểm này.
Qua tin tức kỹ thuật, ta được biết bọn địch ở A1 bị thiệt hại rất nặng. Chúng luôn kêu cứu khẩn cấp với bọn chỉ huy ở Mường Thanh, luôn yêu cầu tăng viện, chúng còn bám được vị trí vì dựa vào hỏa điểm rất lợi hại trên đỉnh đồi, một hầm ngầm mà từ trước ta chưa từng hay biết trong cả quá trình nắm địch và chuẩn bị chiến đấu.
Sau khi thay thế Trung đoàn 174, Trung đoàn trưởng 102 Hùng Sinh vào hẳn trong đồn để nắm tình hình và chỉ huy bộ đội. Quân ta vẫn chưa có biện pháp diệt hỏa điểm trong hầm ngầm của địch.
Quân đội ta áp dụng thành công chiến thuật “đánh dúi”, đào chiến hào, bí mật áp sát vào tận sâu trong đồn địch. Ảnh tư liệu: TTXVN
Sau này ta được biết, đây là một hầm ngầm lớn được địch xây dựng từ trước và được củng cố sau khi chúng chiếm đóng Điện Biên Phủ. Khi chuẩn bị trận đánh chúng ta chưa nắm được tình hình chiếc hầm này. Do đó ta tập trung hỏa lực khá mạnh nhưng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả diệt hầm ngầm địch.
Sau những giờ căng thẳng kéo dài vì mất liên lạc, buổi chiều cùng ngày, đồng chí Hùng Sinh báo cáo: Địch ra sức giữ vị trí A1. Quân ta không phát triển được vì chưa dập tắt được hỏa điểm trong hầm ngầm. Qua mấy ngày chiến đấu liên tục, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch có xe tăng yểm trợ, bộ đội vẫn giữ được phần đồn đã chiếm nhưng bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi. Trung đoàn xin được tăng viện để tiếp tục tiến công tiêu diệt hầm ngầm cố thủ của địch.
Chiều 3/4, đồng chí Tham mưu trưởng Mặt trận Hoàng Văn Thái tổng hợp tình hình bốn ngày đêm chiến đấu liên tục trên đồi A1 rồi báo cáo lại với Đảng ủy và Bộ chỉ huy. Sau khi trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân danh Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy hạ lệnh cho các đơn vị “Tạm ngừng chiến đấu từ ngày 4/4. Giữ vững vị trí đã chiếm được ở đồi A1 để sau này tiếp tục tiến công khi có lệnh”.
Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ:
– Tại đồng bằng Bắc Bộ, trên đường số 5 ta lại đánh đổ một đoàn tàu quân sự chở đầy binh lính và vũ khí của địch.
– Tại Liên khu 5, ta phục kích diệt 6 xe và một số lính địch.
– Tại Hạ Lào liên quân Lào-Việt phục kích đánh một tiểu đoàn địch ở km59 đường số 13, diệt 1 đại đội địch, phá hủy 30 xe cơ giới và 4 đại bác 105mm.
THÀNH VINH/qdnd.vn