Sản xuất vụ đông được ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện đảm bảo kế hoạch và tăng tối đa diện tích, qua đó đã có nhiều địa phương trở thành điểm sáng trong sản xuất và tiêu thụ cây trồng vụ đông.
Nông dân xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) thu hoạch bí xanh vụ đông.
Vài năm gần đây, cây khoai tây được huyện Hoằng Hóa xác định là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông. Những ngày cuối tháng 11/2023, trên các xứ đồng của xã Hoằng Ngọc, Hoằng Đông, Hoằng Lưu, Hoằng Thắng,… không khí sản xuất vụ đông trở nên tấp nập, nhà nhà ra đồng trồng khoai tây và chăm sóc cây màu vụ đông. Anh Lê Xuân Lâm, xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) cho biết: “Hằng năm, gia đình đều thuê thêm đất để liên kết với Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt trồng gần 3 ha khoai tây vụ đông. Được công ty cung cấp giống, vật tư và hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, nên năng suất khoai tây qua các năm đạt 30 tấn/ha và có những diện tích chăm sóc tốt đạt năng suất lên đến 35 – 40 tấn/ha. Doanh thu bình quân đạt từ 70 – 90 triệu đồng/ha khoai tây, trừ chi phí đầu tư sau 3 tháng thu lãi 45 – 47 triệu đồng/ha. Vụ đông năm 2023-2024, gia đình tiếp tục thuê đất của người dân để trồng khoảng 3 ha khoai tây. Hiện gia đình đã làm xong đất và đang tiến hành xuống giống cho kịp thời vụ. Quan trọng nhất là khi thu hoạch, chúng tôi không phải lo đầu ra mà chỉ cần trồng và chăm sóc cho sản phẩm đảm bảo chất lượng là công ty thu mua tận ruộng”.
Vụ đông 2023-2024, huyện Hoằng Hóa trồng 230 ha khoai tây theo phương thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các công ty. Theo thời vụ khoai vụ đông tập trung trồng từ 25/10 đến 20/11/2023; đối với khoai tây phục vụ chế biến trên đất màu trồng từ 5/11 – 15/11/2023 để hạn chế nứt củ khi gặp mưa vào cuối vụ. Hiện, cơ bản nông dân ở các xã trong huyện tham gia liên kết sản xuất đã cơ bản xuống giống theo khung thời vụ. Các giống khoai tây chủ lực được các doanh nghiệp cung cấp cho người dân trồng, như: Marabel, Actrice; Atlantic… Ngoài ra, bà con nông dân trên địa bàn huyện cũng đang tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông, thu hoạch những diện tích rau, quả vụ đông sớm và tiếp tục gieo trồng các đối tượng cây trồng trong khung thời vụ. Đồng thời, bà con thường xuyên thăm đồng, phòng, trừ một số đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng.
Là địa phương có truyền thống sản xuất vụ đông, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn người dân giải phóng đất, chuẩn bị vật tư nông nghiệp tập trung sản xuất cây trồng vụ đông theo kế hoạch đã đề ra. Đến ngày 20/11, toàn huyện đã gieo trồng được 2.475 ha/2.750, đạt 90% kế hoạch. Huyện Vĩnh Lộc cũng là địa phương đạt tiến độ gieo trồng vụ đông cao nhất cả tỉnh. Ông Trịnh Việt Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Nhằm nâng cao trình độ thâm canh cây vụ đông cho nông dân, ngay từ đầu vụ phòng nông nghiệp phối hợp với các xã, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây màu và sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong vụ đông 2023-2024, HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Quang đã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ngô ngọt với Công ty CP Xuất nhập khẩu Đồng Giao với nông dân xã Vĩnh Quang trên diện tích 200 ha. Nông dân các xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hùng liên kết với các HTX trên địa bàn trồng hơn 150 ha. Hiện phòng nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn người dân gieo trồng các cây màu ngắn ngày, ưa lạnh, như: khoai tây, hành, tỏi, xu hào, bắp cải, rau đậu các loại… Phấn đấu đầu tháng 12/2023 huyện hoàn thành diện tích gieo trồng vụ đông theo kế hoạch và ổn định sản xuất.
Tính đến ngày 15/11 nông dân trên địa bàn tỉnh đã gieo trồng được 42.237,4 ha/47.000, diện tích cây trồng vụ đông, đạt 89,9% kế hoạch. Trong đó, ngô 12.608,7 ha; lạc gần 1.221 ha; khoai lang 1.709,8 ha; rau màu các loại và cây trồng khác 26.703 ha… Hiện thời tiết đang có diễn biến khá thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh đang tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất vụ đông. Ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực chỉ đạo triển khai sản xuất vụ đông theo đúng cơ cấu và khung lịch thời vụ của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục điều tra, theo dõi sự phát sinh phát triển của các đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng vụ đông.
Bài và ảnh: Lê Hợi