Tôi – người con của quê hương Thanh Hóa lên thăm Điện Biên khi mùa hoa ban nở ngập tràn những con phố, ngõ nhỏ ở thành phố Điện Biên Phủ. Xúc động biết bao, mảnh đất mưa bom bão đạn một thời, giờ đây ngày một đổi mới. Cây cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm không chỉ là “chứng nhân” lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hiên ngang, sừng sừng giữa đất trời Tây Bắc mà còn chứng kiến biết bao sự đổi thay của quê hương, đất nước.
Khu di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Ðiện Biên Phủ là một quần thể các di tích lịch sử ghi lại chiến công của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ Cát (TP Điện Biên Phủ); Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (Mường Phăng)…
Di tích cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm thuộc 2 phường Mường Thanh, Thanh Trường (TP Điện Biên Phủ). Theo tài liệu của Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên, khi bắt đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, để thuận tiện cho quá trình di chuyển, quân Pháp đã xây dựng một cây cầu sắt bắc qua dòng sông Nậm Rốm. Cầu dài 40m, rộng 5m, hai bên thành cầu là những thanh sắt chống đỡ đơn giản không có trục giữa. Sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn bảo đảm trọng tải từ 15 đến 18 tấn.
Năm 1954, cầu Mường Thanh là cây cầu sắt duy nhất nối con đường huyết mạch quan trọng giữa các cứ điểm ở phía Tây sông Nậm Rốm với các cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là con đường vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược,… nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở khu vực phía Đông. Tại đây, diễn ra trận chiến đấu vô cùng ác liệt giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam với Quân đội viễn chinh Pháp.
Cách đây 70 năm, vào 14 giờ ngày 7/5/1954, Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tiến công vượt cầu Mường Thanh, tiêu diệt ổ trọng liên 4 nòng của địch, đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Bên cầu Mường Thanh, hiện vẫn còn lưu giữ khẩu trọng liên 4 nòng – bảo vệ Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Khẩu trọng liên 4 nòng đã bị pháo thủ của Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 và đạn pháo của Đại đoàn Công – Pháo 351 tiêu diệt hồi 16 giờ 00 phút ngày 7/5/1954.
Em bé Điện Biên bên hiện vật lịch sử – khẩu trọng liên 4 nòng của thực dân Pháp được trưng bày gần di tích cầu Mường Thanh.
Ở khu vực hiện vật khẩu trọng liên 4 nòng và di tích cầu Mường Thanh, chính quyền địa phương đã dựng biển cấm họp chợ, bảo vệ cảnh quan khu vực di tích.
Trải qua hơn 70 năm, cầu Mường Thanh nhiều lần trùng tu thay lớp ván sàn và sơn sửa bề ngoài nên vẫn giữ nguyên vóc dáng cây cầu lịch sử.
Nhằm bảo đảm an toàn cho người, phương tiện lưu thông qua cầu và đồng thời bảo tồn, giữ gìn cây cầu phục vụ khách tham quan, du lịch, Ban Quản lý Di tích tỉnh Điện Biên đã hạn chế các phương tiện có trọng tải lớn và xe ô tô qua cầu. Hiện tại chỉ còn xe máy, xe đạp và người đi bộ. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đang tổ chức triển khai thực hiện dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Điện Biên”.
Hiện nay, chính quyền địa phương tạm thời cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Mường Thanh để triển khai thi công lắp đặt hệ thống chiếu sáng cầu Mường Thanh và dự án hành trình tham quan nhằm kịp thời chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Ảnh: Đức Huy (Báo Điện Biên Phủ).
Ngọc Huấn