Phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) được khai trương vào cuối tháng 6/2024. Nơi này được kỳ vọng sẽ là điểm hẹn hấp dẫn của đông đảo Nhân dân và du khách mỗi dịp cuối tuần.
Một không gian văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn tại phố đi bộ Phan Chu Trinh.
Tọa lạc ở vị trí trung tâm của TP Thanh Hóa, phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn (gọi tắt là phố đi bộ Phan Chu Trinh), là nơi gắn liền với những công trình mang tính chất biểu tượng của tỉnh và TP Thanh Hóa như: Nhà hát Lam Sơn, Quảng trường Lam Sơn, Ga Thanh Hóa… được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.
Với diện tích hơn 13ha, phố đi bộ được tổ chức bởi 4 không gian. Trong đó không gian thứ nhất: Quảng trường Lam Sơn là khu vực trung tâm, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn âm nhạc, trình diễn thời trang, trò diễn dân gian và nghệ thuật đường phố…; không gian 2: gồm các tuyến phố Lý Nhân Tông, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đôn Tiết (trong đó tuyến phố Lý Nhân Tông trang trí theo chủ đề không gian nón lá; tuyến phố Hồ Xuân Hương theo chủ đề không gian Hội An; tuyến phố Nguyễn Đôn Tiết theo chủ đề không gian sắc màu); không gian 3: một phần tuyến đường Phan Chu Trinh – không gian trung tâm của phố đi bộ, giới thiệu các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, đá quý, đá phong thủy… và các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; không gian 4: khu vui chơi trẻ em, ki-ốt bán đồ ăn nhanh, nước giải khát, tại khu vực đài phun nước phía Tây Quảng trường Lam Sơn và tháp đồng hồ.
Sau hơn 1 tháng đi vào khai thác, phố đi bộ Phan Chu Trinh đã thu hút gần 20 nghìn lượt khách đến tham quan, check-in ở các không gian văn hóa, trải nghiệm. Phố đi bộ cũng đã thu hút 164 hộ tham gia kinh doanh, chủ yếu là các ki-ốt bán đồ ăn nhanh, đồ uống, đồ lưu niệm, các sản phẩm mỹ nghệ – thủ công truyền thống, đồ chơi dân gian… và một số dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho trẻ em. Theo đánh giá của Ban Quản lý phố đi bộ Phan Chu Trinh, đa số các hộ kinh doanh đều chấp hành tốt các quy định, kinh doanh đúng mặt hàng đã đăng ký, phù hợp với phương án tổ chức hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết…
Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Thanh Hóa Hoàng Cao Thắng, Trưởng Ban Quản lý phố đi bộ Phan Chu Trinh cho biết: “Hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại phố đi bộ Phan Chu Trinh đã được tổ chức đa dạng, phong phú, tạo sự thu hút lớn đối với Nhân dân và du khách. Ban quản lý phố đi bộ đã xây dựng kịch bản chương trình văn hóa, nghệ thuật cho từng tuần trong tháng, trình phê duyệt trước khi tiến hành thực hiện, do đó các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các tuần luôn được triển khai theo đúng kế hoạch, đúng nội dung đã trình duyệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian đầu đưa vào vận hành, phục vụ du khách vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như các tiết mục của các câu lạc bộ văn hóa – nghệ thuật còn trùng lắp, chưa thực sự đa dạng; lượng khách đến phố đi bộ còn hạn chế; các mặt hàng kinh doanh chưa thực sự phong phú; ý thức của một số hộ kinh doanh chưa cao trong việc thực hiện nghiêm các nội quy, quy định của phố đi bộ”…
Theo đại diện một số doanh nghiệp du lịch, xây dựng phố đi bộ là xu hướng tất yếu, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và du khách. Tuy nhiên, để phố đi bộ hút khách cần tạo nên nét đặc trưng riêng và mang đậm dấu ấn văn hóa xứ Thanh. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ; thúc đẩy sự kết nối giữa các không gian và xâu chuỗi nhiều loại hình văn hóa cộng đồng với nhau. Đặc biệt, các hoạt động văn hóa, biểu diễn âm nhạc cần kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại… tạo nên không gian đặc trưng, hấp dẫn đối với nhiều lứa tuổi. Chính điều đó sẽ đặt ra yêu cầu du khách khám phá hết tất cả các khu vực ở phố đi bộ, để cảm nhận trọn vẹn giá trị điểm đến.
Thực tế cho thấy, không phải phố đi bộ nào cũng thu hút khách, do đặc trưng của từng tuyến phố. Bên cạnh mua sắm và ẩm thực, phố đi bộ Phan Chu Trinh hoàn toàn có thể phát triển đa dạng hoạt động giải trí, trải nghiệm dựa trên nền tảng văn hóa và hệ thống cơ sở dịch vụ sẵn có của các tuyến phố tại đây. Mặt khác, cần phát triển thêm các quán bar, nhà hàng với âm nhạc live sống động… đáp ứng xu hướng phát triển và nhu cầu của du khách.
Được biết, để đảm bảo cho hoạt động của phố đi bộ, TP Thanh Hóa đã thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức và ban quản lý, đồng thời phân công nhiệm vụ cho các Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa phụ trách hằng tuần. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các hạng mục về hạ tầng kỹ thuật, điện trang trí, các biểu tượng tạo điểm nhấn trong các không gian, đồng thời từng bước thay đổi mô hình quản lý hoạt động. Trong đó sẽ tiến tới việc mời gọi các doanh nghiệp tham gia quản lý, vận hành, khai thác phố đi bộ. Cùng với đó, chú trọng thực hiện tốt văn hóa trong kinh doanh, đa dạng sản phẩm và đảm bảo chất lượng hàng hóa; đồng thời thực hiện nghiêm các quy định nhằm khẳng định phố đi bộ là điểm đến văn hóa, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách khi đến với TP Thanh Hóa.
Bài và ảnh: Hoài Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/de-pho-di-bo-phan-chu-trinh-niu-chan-du-khach-221681.htm