Nông sản Thanh Hóa ngày càng được mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để đem lại giá trị lớn hơn, nông sản Thanh Hóa phải từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn để “xuất ngoại”.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Nga Sơn) đang được hoàn thiện phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Lê Đồng
Tiên phong mở đường
Tin vui đến với cây vải trên đất Thanh Hóa là tháng 6-2023 tấn vải không hạt đầu tiên đã được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh. Quả vải xuất khẩu được trồng thử nghiệm tại huyện Ngọc Lặc theo quy trình GlobalGAP. Với việc đưa quả vải trồng ở xứ Thanh sang hai thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới hiện nay, dù số lượng còn khiêm tốn, nhưng đã tạo dấu mốc mới cho ngành nông nghiệp Thanh Hóa.
Cũng thời gian này, một số lô hàng nước mắm và mắm tôm Lê Gia cũng lên đường “xuất ngoại” đến những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Trước đó, sản phẩm này đã có mặt ở một số thị trường như Nga, Hàn Quốc, Đài Loan. Mắm Lê Gia là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của Thanh Hóa tính đến thời điểm hiện tại, được sản xuất bởi Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia ở huyện Hoằng Hóa. Để nhập khẩu vào các thị trường “khó tính” trên, chủ thể phải đáp ứng những quy định hết sức khắt khe.
Thời gian gần đây tư duy nâng tầm sản phẩm để đưa nông sản Thanh Hóa “ra biển lớn” đã hình thành ở nhiều chủ thể sản xuất, trong đó một số sản phẩm OCOP đóng vai trò lĩnh xướng. Theo rà soát từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, đến giữa tháng 8-2023 đã có 22 sản phẩm OCOP của tỉnh tìm được thị trường xuất khẩu. Trong đó có những sản phẩm chủ thể sản xuất đã ký được các hợp đồng liên kết tiêu thụ với đối tác nước ngoài như sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Nga Sơn) xuất khẩu trực tiếp và có chuỗi bán hàng tại 40 siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre luồng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina (Hà Trung) xuất sang EU và Bắc Mỹ; sản phẩm dứa và ngô ngọt đóng hộp của Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống) xuất đi Ba Lan, Nga, Hàn Quốc, Úc.
Để có được “trái ngọt” đó các chủ thể đã ứng dụng công nghệ mới để làm ra sản phẩm chất lượng; đồng thời hoàn thiện bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc để sản phẩm “định vị” trong lòng người tiêu dùng. Đây là bước đột phá về tư duy, tầm nhìn, nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn khách hàng, nhất là phục vụ xuất khẩu.
Tháo gỡ “rào cản”
Với 22 sản phẩm OCOP tiếp cận được thị trường nước ngoài có thể xem là con số vui. Nhưng so với số lượng và sản lượng nông sản mà Thanh Hóa đang có, nhất là với sự quan tâm của tỉnh thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách và thực hiện hỗ trợ, thì con số này còn quá khiêm tốn.
Chúng ta còn nhiều “rào cản” khiến nông sản từ xứ Thanh dù phong phú, giàu hương sắc, nhưng lại chưa thể vươn xa được. Trong đó tư tưởng “ăn xổi” với lợi ích và tầm nhìn ngắn hạn của một số chủ thể đang làm cho nông sản giảm tính cạnh tranh. Hiện chưa có nhiều diện tích nông sản áp dụng các biện pháp nuôi, trồng theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong nuôi trồng còn nhiều, làm giảm chất lượng sản phẩm.
Vấn đề nữa là tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khiêm tốn dù tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách. Đến tháng 8-2023 trên địa bàn Thanh Hóa mới có khoảng 1.290 doanh nghiệp lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, trong đó doanh nghiệp đủ khả năng, tiềm lực đứng ra liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu chưa nhiều. Sở dĩ như vậy vì nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, Thanh Hóa lại là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, trong khi bảo hiểm nông nghiệp còn những bất cập, khiến doanh nghiệp e dè.
Nếu cứ để nông dân loay hoay trong “cánh đồng chật hẹp” nguồn vốn ít, tiếp cận công nghệ thấp, thì rất khó để xây dựng được chất lượng nông sản đáp ứng tiêu chí xuất khẩu. Chưa kể là tính kết nối để luân chuyển hàng hóa gần như là bằng không.
Muốn mở đường cho nông sản trong tỉnh vươn tầm quốc tế đòi hỏi phải dựa trên các giá trị đặc thù, khác biệt và độ an toàn của sản phẩm. Làm được điều đó mới giúp cho sản phẩm được tin tưởng. Chưa kể, để vào được các thị trường “khó tính” và xác lập được chỗ đứng tại đây, thì việc xây dựng nhãn hiệu và xây dựng chỉ dẫn địa lý là hết sức quan trọng. Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhất, cần phải nhân lên lợi thế này để thế giới biết đến nhiều hơn sản phẩm có xuất xứ từ xứ Thanh. Muốn làm tốt điều đó, bên cạnh nỗ lực của chính quyền và ngành chức năng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp nông nghiệp. Các chủ thể sản xuất cũng phải chủ động hơn sau khi sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.
Hãy nhìn vào kinh nghiệm của một chủ thể sản phẩm đã có chỗ đứng ở nhiều thị trường quốc tế đó là mắm tôm Lê Gia để thấy tư duy xây dựng, phát triển sản phẩm như thế nào. Theo Giám đốc Công ty Lê Ngọc Anh: Chúng ta có nhiều không gian văn hóa, lễ hội, ẩm thực, bằng cách nào đó hãy để sản phẩm của mình tiếp cận các hoạt động này. Quan trọng nữa là, phải đứng ở góc nhìn của thị trường, mang tư duy của thị trường để thiết kế sản phẩm, đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển dựa trên thế mạnh tài nguyên bản địa, nguồn lực của mỗi chủ thể. Tư duy thị trường phải thể hiện trong từng khâu của chuỗi giá trị doanh nghiệp, từ những việc nhỏ nhất như bao bì, tem nhãn, đến phân khúc và thiết kế sản phẩm, tiếp thị, quảng bá và bán hàng. Nếu cố gắng làm tốt thì sản phẩm OCOP xứ Thanh hoàn toàn có nhiều cơ hội bay cao, vươn xa.
Thanh Hóa hiện có 354 sản phẩm OCOP, là lợi thế lớn, chưa kể nhiều nông sản khác đang trong quá trình xây dựng. Xóa bỏ tư duy “ăn xổi” với sự cầu thị, nâng niu sản phẩm, chúng ta hoàn toàn mở được lối đi cho nhiều nông sản xứ Thanh ra quốc tế, nhất là những thị trường “khó tính”. Hiện nay nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, châu thổ sông Hồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc thực hiện rất tốt việc đưa nông sản ra thế giới. Xét về tiềm năng, Thanh Hóa không hề kém cạnh, vấn đề chỉ là tư duy nhập cuộc và tâm thế hòa mình vào dòng chảy mà thôi.
Thái Minh